Tăng chế tài xử lý nợ xấu bảo hiểm xã hội

Trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, việc tập trung vào giải quyết quyền lợi cho người lao động là nhân văn, cần thiết, góp phần bảo đảm cuộc sống cho họ. Song, nhìn dài hạn, cần có những giải pháp từ gốc ngăn chặn tình trạng này tái diễn trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động mong mỏi được hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
Người lao động mong mỏi được hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Cần cộng thời gian bị nợ bảo hiểm xã hội

Chị Trịnh Thu Hương, công nhân Chi nhánh Công ty CP Dệt 19/5 tại Hà Nam, đã gắn bó với doanh nghiệp này 17 năm, bị nợ lương nhiều tháng và nợ bảo hiểm xã hội từ năm 2019, chia sẻ: "Suốt thời gian qua, chị và nhiều công nhân tìm lãnh đạo chi nhánh để đòi quyền lợi, nhưng không được. Giờ chỉ mong có được hướng giải quyết để vơi bớt khó khăn".

Hiện có đến 213.000 lao động tại doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, bỏ trốn mà chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội cũng đang mong mỏi được giải quyết chế độ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu các phương án giải quyết chế độ lương hưu, tử tuất cho khoảng 20% số người lao động đủ điều kiện. Trường hợp lao động chưa đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Khoảng 40% số người lao động đang làm việc ở đơn vị mới và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn thời gian tham gia, song chỉ giải quyết trên thời gian thực đóng, không cộng số tháng bị nợ. Khoảng 20% số người lao động nghỉ việc, chưa tiếp tục tham gia đóng sẽ được bảo lưu thời gian đóng để cộng nối tiếp khi đi làm trở lại hoặc đóng tự nguyện. Khoảng 20% còn lại là trường hợp phát sinh do điều chỉnh tăng tiền lương hoặc đã quyết toán khi chuyển việc.

Tuy nhiên, chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội, đánh giá đề xuất này chưa hợp lý bởi không cộng thời gian lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. "Thực tế hằng tháng họ vẫn bị trừ 8% lương. Việc bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cả số năm bị nợ để hưởng lương hưu đồng nghĩa với việc mất tiền hai lần", ông Lộc nhấn mạnh.

Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh, việc chờ đợi doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn sau này đóng bù khoản nợ là không khả thi và cũng không nên yêu cầu lao động bỏ tiền túi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho cả số năm bị nợ. Nguồn kinh phí xử lý nên trích từ ngân sách hoặc các khoản đầu tư sinh lời từ Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bù trước, để cộng đủ số năm bị nợ cho lao động.

Quyết liệt sửa từ cơ chế, luật pháp

Theo thống kê, cả nước có hơn 2,7 triệu lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nếu không có giải pháp quyết liệt, số người lao động bị "treo" sổ bảo hiểm xã hội sẽ còn tăng thêm.

Bàn về giải pháp dài hạn, PGS, TS Nguyễn Đức Lộc kiến nghị: "Chúng ta cần có cơ chế giám sát, phòng ngừa hơn là đi sau giải quyết vụ việc. Việc minh bạch hóa thông tin để người lao động giám sát không quá khó khi đã có App VssID - Bảo hiểm xã hội số, một ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể cập nhật thông tin tình trạng đóng bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm cần chia nấc thang cảnh báo rủi ro nợ xấu bảo hiểm xã hội. Và điều quan trọng hơn cả là đồng bộ hóa quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội với Luật Doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở đi là chỉ dấu xem xét năng lực hoạt động, tài chính của doanh nghiệp, từ đó kịp thời đưa ra chế tài giúp bảo đảm quyền lợi của người lao động".

Từ nay đến hết tháng 4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bản dự thảo đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để bảo đảm tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội như: quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế); cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ sáu tháng trở lên; cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện ra Tòa án; khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật…

Đáng nói, vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội được quy định theo Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, chế tài xử lý được quy định rất mạnh. Nếu có tình tiết tăng nặng thậm chí còn có thể phạt tù đến bảy năm và hành chính đến một tỷ đồng, nhưng vì sao vẫn khó xử lý các vi phạm? Theo Bộ Công an, việc tìm cơ sở khởi tố, truy tố các doanh nghiệp về tội trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, quy định giao quyền cho tổ chức công đoàn được khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cũng không dễ thực hiện vì vướng các thủ tục… Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài đủ sức răn đe.

Thạc sĩ Lại Sơn Tùng (Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân), kiến nghị: Tòa án Nhân dân tối cao ban hành nghị quyết, hoặc liên ngành tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi "gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác" của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thêm nữa, cần quy định rõ hơn Điều 38 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về hình thức phạt tiền, cụ thể: Ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, cần quy định rõ việc đồng thời phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp ở mức độ phù hợp, tạo hành lang pháp lý làm căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân.

Nhiều chuyên gia chung kiến nghị, đã đến lúc cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng quỹ dự phòng nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ Quỹ Lao động của Hàn Quốc. Được thành lập từ năm 1999 với các hoạt động hỗ trợ an sinh cho lao động, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, quỹ có nguồn tiền được trích một phần từ khoản tiền mà doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho lao động. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, cần trích một khoản ký quỹ bảo đảm tuân thủ trách nhiệm xã hội, cam kết đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Nguồn kinh phí này để hỗ trợ lao động trong tình huống rủi ro. Chỉ khi cân bằng lợi ích từ phía người sử dụng lao động và lao động, thị trường mới có thể phát triển bền vững.