Các đơn vị liên quan đang khắc phục những khiếm khuyết phát sinh, mở rộng mô hình để từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh, tạo thói quen không sử dụng tiền mặt của người dân và tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các điểm trông giữ xe, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị,...
Kết quả tích cực
Trên địa bàn Thủ đô, theo thống kê hiện có khoảng 8,5 triệu người dân, số lượng ô-tô, xe máy đạt gần 8 triệu, trong đó có khoảng 1,1 triệu ô-tô và 6,7 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai tham gia giao thông trên địa bàn. Do nguồn lực còn hạn chế, tốc độ phát triển hạ tầng đô thị của Thủ đô hằng năm chỉ tăng 0,6%, trong khi dân số mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, phương tiện cá nhân tăng khoảng 4-5% (trong đó, riêng lượng ô-tô cá nhân tăng trưởng khoảng 10%/năm). Những con số này cho thấy, hạ tầng không thể theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện; nhu cầu gửi ô-tô, xe máy tại đô thị trung tâm Hà Nội là rất lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thiếu bãi đỗ xe đang là vấn đề cấp bách cần được giải quyết sớm, tránh những hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống của người dân Thủ đô. Tính chung, hạ tầng chỉ đáp ứng chưa đầy 10% tổng số phương tiện hiện có. Hơn 90% lượng phương tiện còn lại đành phải gửi tại các bãi trông giữ được tận dụng từ lòng đường, vỉa hè, bãi đất trống..., phát sinh nhiều tiêu cực, gây mất an ninh trật tự. Trên các tuyến phố, cảnh xe máy, ô-tô đỗ tràn lan, gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Nguyên nhân của tình trạng này do khó khăn về mặt bằng; cơ chế, chính sách về đầu tư, giá, phí trong đầu tư, xây dựng và khai thác bãi đỗ xe đô thị chưa thật sự khuyến khích nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư, khai thác bến, bãi đỗ xe. Nếu thiếu sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý, tình trạng này sẽ kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các bãi đỗ xe, đồng thời ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong vấn đề khai thác.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến nay, tổng số điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố đã đạt 99 điểm tại 8 quận, trong đó, Hoàn Kiếm có 49 điểm, Cầu Giấy 11 điểm, Nam Từ Liêm 10 điểm, Đống Đa 9 điểm,... Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, quá trình thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn thành phố đạt kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định; người dân đều đồng tình ủng hộ bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế được tiêu cực, công khai minh bạch, từng bước xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Cùng với đó, mô hình này giúp tăng cường quản lý tại các bãi đỗ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, giảm ùn tắc giao thông,...
Mở rộng ứng dụng cho các hệ thống thanh toán
Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học về tác động của hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương (Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore) và các đồng sự khảo sát, đánh giá, trong năm 2023, năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC tại các tuyến đường cao tốc trên cả nước, Việt Nam đã tiết kiệm 442,7 triệu USD (tăng 14 lần so với năm 2019). Ước tính giai đoạn 2019-2030, Việt Nam có thể giảm 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727.000 tấn xăng và dầu diesel, hơn 1 tỷ giờ nhân lực, tổng lợi ích kinh tế mang lại cho xã hội khoảng 5,3 tỷ USD.
“Sự phát triển của hệ thống ETC là tất yếu để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Các ứng dụng tiềm năng của ETC nên được mở rộng sang các hệ thống thanh toán kỹ thuật số tương tự cho thu phí nội đô, bãi đậu xe (e-parking), đổ xăng không tiền mặt hoặc các cơ sở thu phí khác. Thông qua giảm tắc nghẽn, giảm lượng khí thải và nâng cao hiệu quả hoạt động, hệ thống ETC cung cấp các giải pháp bền vững cho những thách thức về di chuyển trong và ngoài đô thị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương khẳng định.
Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam là hai đơn vị sử dụng công nghệ RFID đang được ứng dụng rộng rãi tại các trạm thu phí trên toàn quốc. Công nghệ RFID có thể nhận diện chính xác phương tiện ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu, giúp tăng hiệu quả quản lý giao thông. Mặt khác, tốc độ và “độ nhạy” trong xử lý dữ liệu của công nghệ này rất nhanh và chính xác, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi của người dùng và hạn chế nhiều rủi ro phát sinh.
Lãnh đạo Công ty VETC nhận định, ứng dụng thanh toán số vào giao thông thông minh là xu hướng mạnh mẽ trên toàn cầu vì đặc tính hoạt động giao thông cần an toàn, nhanh chóng và chính xác. Với hơn 3,5 triệu xe đã được dán thẻ ETC và kích hoạt tài khoản giao thông, chiếm khoảng 70% tổng số xe trên cả nước, việc ứng dụng công nghệ thanh toán số, ví điện tử của VETC được xác định là “mũi tên trúng nhiều đích”, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai. Các điểm trông xe ô-tô ở lòng đường (bãi hở) sử dụng máy quét biển kiểm soát đôi khi không quét được do mạng kém, máy nhanh hết pin nhưng không có chỗ sạc điện. Máy quét và thiết bị đầu đọc có lúc bị lỗi phải khởi động lại nhiều lần gây mất thời gian. Đối với trông giữ xe máy, giá vé thấp dưới 10.000 đồng/lượt, một số ngân hàng chưa hỗ trợ thanh toán. Đáng chú ý, việc quy định thời gian 60 phút/lượt xe đã gây bức xúc cho khách hàng, trong trường hợp phát sinh thêm dù chỉ một vài phút vẫn phải trả tiền cho hai lượt xe, cần sớm được điều chỉnh.
Có thể thấy, tiềm năng ETC ở Việt Nam còn rất lớn, được kỳ vọng đồng bộ và ứng dụng vào nhiều loại hình dịch vụ liên quan tới phương tiện. Đồng thời, công nghệ này cũng phù hợp để ứng dụng sang thu phí không dừng cho các bãi đỗ xe với kỳ vọng mang lại đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp mong muốn chính quyền có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và ổn định, tạo điều kiện cho dịch vụ được triển khai nhanh chóng; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ mới; quản lý chặt bãi đỗ để bảo đảm quyền lợi của mọi đối tượng,... ■