Vùng đông bắc bao gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; đồng thời cũng là vùng có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó có sản phẩm chè.
Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Đối với các tỉnh vùng đông bắc, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa dù có những tín hiệu tích cực nhưng so với thời gian trước vẫn gặp khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước là việc làm hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long phát biểu tại Hội nghị. |
Hội nghị đã giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trong khu vực tới các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu, cũng như các nhà phân phối trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổ chức triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Củng cố, phát triển thị trường trong nước, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hà Giang là tỉnh có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước với gần 20 nghìn héc-ta. |
Tại Hội nghị, tỉnh Hà Giang đã giới thiệu tiềm năng, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết; các lợi thế để phát triển thương mại, xuất khẩu sản phẩm chè của tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang xác định phát triển vùng chè Shan tuyết, coi đây là cây trồng trọng tâm, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hà Giang: Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng khá
Hướng phát triển vùng chè Shan tuyết của Hà Giang theo chuỗi giá trị chè hữu cơ, tỉnh sớm triển khai các chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng chè Hà Giang; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến cho các cơ sở sản xuất.
Chế biến chè Shan tuyết xuất khẩu tại Hợp tác xã Chè Phìn Hồ. |
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ. Trọng tâm là xây dựng hồ sơ để cấp giấy chứng nhận chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 12.000ha; xây dựng và được công nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17.000ha; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các cơ sở chè, đã có 14 cơ sở được cấp chứng nhận HACCP, ISO.
Để phát triển chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ một cách bền vững, tỉnh đã phân định diện tích từng vùng chè, từ đó định hướng vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến liên kết với người dân sản xuất chè hữu cơ; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới công nghệ, thay đổi tập quán sản xuất để làm chè sạch.