Hà Giang bảo tồn, nâng cao giá trị cây chè shan tuyết

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cây chè shan tuyết Hà Giang trên địa bàn sáu huyện, với 44 xã có chè shan tuyết.

Thu hái chè shan tuyết tại bản Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: THANH THỦY
Thu hái chè shan tuyết tại bản Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: THANH THỦY

Chỉ dẫn địa lý đối với chè shan tuyết Hà Giang là cơ sở để các doanh nghiệp, người trồng chè nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, người trồng chè trong việc bảo đảm chất lượng, giá trị, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Riêng huyện Hoàng Su Phì hiện có tổng diện tích cây chè hơn 4.600 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 12.880 tấn/năm, với giá trị thu nhập hơn 115 tỷ đồng. Toàn huyện có 25 cơ sở chế biến chè, trong đó năm hợp tác xã chế biến chè quy mô từ 3 đến 5 tấn/ngày, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Ðối với người trồng chè, bình quân mỗi héc-ta chè cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Cây chè shan tuyết cổ thụ tại Hà Giang được công nhận là cây di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gien quý, góp phần nâng cao giá trị, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Ðây cũng là cơ hội quý để quảng bá thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ hữu cơ của địa phương đến với thị trường trong nước và nước ngoài. Ngoài bảo tồn, Hà Giang chú trọng công tác nhân giống, lưu trữ giống chè, nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển cây chè.