Hà Giang đón nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết

NDO -

NDĐT - Tối 1-12, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm chè Shan tuyết. Đến dự có đại diện: Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng IFAD Hà Nội; lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Thu hái chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Thu hái chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang có hơn 20.000 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 18.000 ha. Sản lượng chè hàng năm đạt 67.500 tấn. Cây chè được tỉnh xác định là một trong những cây hàng hoá chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đặc biệt, Hà Giang có rất nhiều rừng chè Shan tuyết cổ thụ, với hơn 16.000 ha. Chè cổ thụ tập trung chủ yếu ở những vùng có độ cao từ 600 m đến hơn 1.000 m so với mực nước biển, tại các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình. Cây chè Shan tuyết sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng nên là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất chè sạch, chè hữu cơ.

Để truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo hộ quyền lợi cho người trồng chè và người tiêu dùng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới. Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) đã hỗ trợ kinh phí để tỉnh Hà Giang lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết.

Ngày 16-8 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấy giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm chè Shan tuyết, phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc sáu huyện, thành phố có sản phẩm chè Shan tuyết.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, chứng nhận chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm chè Shan tuyết là là kết quả sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý của giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đây cũng là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển chỉ dẫn địa lý tới đây sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương triển khai các hoạt động để quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với cây chè Shan tuyết.

UBND tỉnh Hà Giang cũng sẽ ban hành các văn bản, tài liệu, quy chế liên quan đến công tác quản lý, sử dụng sản phẩm chỉ dẫn địa lý; ban hành quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái chè đến quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhằm duy trì chỉ dẫn địa lý, đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người trồng chè, người tiêu dùng.

Tại Quảng trường 26 -3 (TP Hà Giang), tỉnh Hà Giang cũng tổ chức không gian thưởng trà và giới thiệu sản phẩm nông sản thuộc Chương trình CPRP. Tại đây, du khách được tham quan 15 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Giang; xem các doanh nghiệp, HTX sản xuất chè giới thiệu sản phẩm, biểu diễn cách pha trà, được thưởng thức những chén chè Shan tuyết thơm ngon, nổi tiếng nhất của Hà Giang.