Giải pháp phát triển ngành chè Hà Giang

NDO -

NDĐT - Là địa phương có diện tích chè lớn thứ ba cả nước, tỉnh Hà Giang xác định đây là cây trồng chiến lược, mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Cần làm gì và làm như thế nào để ngành chè Hà Giang phát triển tương xứng với tiềm năng là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Bàn giải pháp phát triển ngành chè” do UBND tỉnh Hà Giang và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức chiều 23 – 12, tại Hà Giang.

Người dân xã Na Khê, huyện Yên Minh (Hà Giang) tập huấn kỹ thuật thu hái chè búp tươi.
Người dân xã Na Khê, huyện Yên Minh (Hà Giang) tập huấn kỹ thuật thu hái chè búp tươi.

Đến năm 2015, Hà Giang có hơn 20.000 ha chè. Đây là cây trồng được Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định là một trong năm loại cây, con chủ lực để phát triển hàng hóa theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.

Chè Hà Giang có nhiều lợi thế cạnh tranh đã được đánh giá và khẳng định như: Vùng nguyên liệu sạch và an toàn; chất lượng sản phẩm có lợi thế so sánh với những vùng chè truyền thống trong nước; nhiều vùng chè chưa có sự tác động về hóa chất… Đặc biệt, với hơn 70% diện tích là giống chè Shan tuyết được người dân trồng, phát triển trên những ngọn núi cao, quanh năm mây mù bao phủ, rất phù hợp để phát triển sản xuất, chế biến chè hữu cơ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết: Dù có diện tích chè lớn với nhiều lợi thế so với các vùng chè khác trong nước, nhưng trên thực tế giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chè Hà Giang chưa cao. Nguyên nhân chính do tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu chung cho sản phẩm chè Hà Giang. Bên cạnh đó, mối liên kết “bốn nhà” để phát triển bền vững ngành chè tại một số vùng chưa toàn diện. Các doanh nghiệp làm chè chưa quan tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có phân vùng nguyên liệu để tạo mối liên kết bền vững với người nông dân…

Năng suất chè của tỉnh hiện mới chỉ đạt gần 40 tạ/ha, bằng 30% so với năng suất trung bình của các tỉnh trong khu vực. Giá trị ngành chè đem lại cho tỉnh mỗi năm vào khoảng 460 tỷ đồng.

Xuất phát từ những vấn đề trên, tại hội thảo các chuyên gia về ngành chè và đại diện một số doanh nghiệp làm chè đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó, tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách hiện hành còn bất cập, cần bổ sung để phù hợp thực tế; ban hành quy định cơ chế quản lý vùng chè tập trung gắn với chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển; giải quyết những vấn đề liên quan đến việc hình thành mối liên kết bốn nhà sản xuất chè…

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Hùng Cường cho biết: Vốn quý của chè Hà Giang là sạch, chưa có nhiều tác động của các chất bảo vệ thực vật. Đó là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển sản xuất, chế biến chè hữu cơ. Hiện nay, Công ty Hùng Cường đã xây dựng vùng nguyên liệu chè hữu cơ gần 1.000 ha tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên. Để xây dựng vùng chè hữu cơ, doanh nghiệp mất nhiều công sức, chi phí cho một tổ chức quốc tế có uy tín cấp chứng chỉ chè hữu cơ Cao Bồ. Do đó, để doanh nghiệp yên tâm liên kết với người nông dân và đầu tư vào vùng nguyên liệu để sản xuất chè sạch thì tỉnh cần phân vùng nguyên liệu, có giải pháp bảo vệ vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán.

Các chuyên gia về ngành chè cho rằng, để phát triển vùng chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, Hà Giang cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp chè có đủ năng lực về tài chính, thị trường và công nghệ. Muốn thu hút được các doanh nghiệp, tỉnh cần có thêm những đánh giá, nghiên cứu để ban hành các chính sách, định hướng phát triển thương hiệu chè cho Hà Giang với những đặc trưng riêng, khác biệt so với các vùng miền khác.