Kết nối cung cầu nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề; tạo việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Ðáng chú ý, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội).
Sản phẩm của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội).

Tại các làng nghề, nhiều mặt hàng truyền thống đã có sức sống hàng trăm năm do những nghệ nhân, thợ truyền nghề qua nhiều thế hệ, vừa tạo việc làm ổn định cho các cư dân nông thôn, vừa lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, dân tộc. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế của các sản phẩm nghề truyền thống ngày càng được nâng cao.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2022 đã đạt 3,6 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính là mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gốm, đồ đồng, tranh gỗ, tranh sơn dầu, đồ thủy tinh, đá quý, thảm trải sàn, đèn lồng, các loại nón, túi xách, giày dép thủ công...

Trong số thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam, Mỹ hiện là thị trường chủ lực, chiếm tới 32,8% tổng kim ngạch. Thị trường lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 17,3%, kế đến là Ðức 7,07% và các nước EU. Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề đã có rất nhiều sản phẩm được công nhận OCOP. Ðến nay, tổng số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là 42 sản phẩm, trong tổng số hơn 9.850 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của cả nước.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Thủ đô Hà Nội hiện là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất, trong đó, có nhiều làng nghề đã có từ lâu đời, phải kể đến như: gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Ðộng, quạt Chàng Sơn, nón Chuông…

Tính đến nay, đã có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Trong đó, số các làng nghề của Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong số hàng nghìn sản phẩm OCOP của Hà Nội đang có sự góp mặt rất lớn các sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống. Ðể quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP, Thành phố Hà Nội đã tổ chức liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện rất nhiều hội chợ, sự kiện vừa nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm vừa khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP nhằm khẳng định thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện, giá trị văn hóa, lịch sử, từng vùng miền, từng làng nghề truyền thống để mỗi sản phẩm OCOP đều có những nét đặc sắc riêng về lịch sử, văn hóa của mình.

Tuy vậy, cũng như các làng nghề tại các địa phương khác trên cả nước, các làng nghề Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Ðó là, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; các vùng nguyên liệu chưa ổn định, còn ít các nguyên liệu có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp theo quy định; quy mô sản xuất còn manh mún; công nghệ sản xuất lạc hậu.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu vẫn thiếu ổn định và chưa đa dạng trong lúc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao do các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều làng nghề, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để, hiệu quả.

Mới đây, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc năm 2023. Theo ông Nguyễn Ðình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP, đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... trong khi các nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng gần 15%.

Qua phân tích của các nhà quản lý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công của cả nước đang giảm mạnh kể từ năm 2022 trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD năm 2015, lên đến gần 3 tỷ USD năm 2021 và giảm xuống đáng kể còn khoảng 2,4 tỷ USD năm 2022. Do tác động của dịch bệnh, xung đột Nga-Ukraine và các diễn biến địa-chính trị khác đã làm giảm xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam...

Xu hướng suy giảm xuất khẩu theo nhận định sẽ tiếp tục còn có thể kéo dài đến năm 2024. Ðây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến cho xuất khẩu hàng thủ công giảm sút chính là do các doanh nghiệp, làng nghề ít đầu tư công nghệ vào sản xuất, thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng, mẫu mã thiếu đổi mới sáng tạo, giá thành còn cao do chưa chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật. Do đó, sản phẩm thủ công truyền thống xuất khẩu của Việt Nam chưa tạo ra được sức cạnh tranh lớn so với một số nước như Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất yếu kém của các làng nghề là do hạn chế từ các nguồn nguyên liệu. Nhiều nghệ nhân các làng nghề sản xuất sản phẩm từ tre, nứa huyện Ứng Hòa, Hoài Ðức, Thường Tín (Hà Nội) cho biết thiếu nguyên liệu sản xuất cho nhiều làng nghề. Nguyên nhân là do chưa có vùng nguyên liệu mây tre nứa bền vững, có quy hoạch.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay, tre đang cung cấp nguyên liệu cho hơn 600 làng nghề mây, tre đan trên toàn quốc. Trong giai đoạn hiện nay, rừng tự nhiên bị cấm khai thác, rừng trồng sinh trưởng chậm thì các sản phẩm từ tre là một giải pháp tốt thay thế các sản phẩm sản xuất từ gỗ. Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu héc-ta tre, phân bố đều khắp cả nước, với trữ lượng khai thác hằng năm từ 500 đến 600 triệu cây, tương đương 2,5 đến 3 triệu tấn tre. Do phân tán rải rác, chất lượng thấp cho nên các vùng nguyên liệu hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và trong tương lai sự thiếu hụt càng tăng thêm nếu các địa phương, các nhà sản xuất không đầu tư, quy hoạch, có định hướng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, kịp thời.

Ðể sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), nhất là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu các làng nghề, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần chú trọng quy hoạch, hợp tác kết nối cung cầu để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững; ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế…