Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh

NDO - Chiều 6/7, tại thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) diễn ra Hội nghị kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao các tỉnh Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị do Khối thi đua các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền trung tổ chức, thu hút đông đảo các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia trình bày nhiều tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai có hiệu quả việc hợp tác, liên kết vùng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng.

Đây là hoạt động hết sức thiết thực và ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nêu rõ, bên cạnh các chủ trương chính sách của Trung ương, trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm và tập trung sự chỉ đạo để đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền trung đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; góp phần phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.

“Các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần tự lực, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; từng bước xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Các Ban Quản lý luôn quan tâm, đồng hành cùng với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, phối hợp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, xây dựng và sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển và làm cầu nối trong kết nối tiêu thụ sản phẩm”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nhấn mạnh.

Đại diện Khối thi đua các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền trung cho biết, đối với hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn Tây Nguyên đã góp phần giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản thế mạnh theo hướng chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến cuối năm 2022 đã thu hút 394 dự án với tổng vốn đầu tư 38.140 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 22.989 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 12.100 lao động khu công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên.

Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương phát biểu tại hội nghị.

Các khu kinh tế ven biển duyên hải miền trung thu hút các dự án công nghiệp nặng quy mô lớn theo hướng phát triển kinh tế biển gắn với cảng và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch; trong đó công nghiệp giữ vai trò quan trọng.

Ngoài ra, Đà Nẵng đang chuyển đổi sang mô hình phát triển khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông tin theo mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhằm dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ ở miền trung và cả nước.

Tính đến cuối năm 2022, các khu kinh tế ven biển duyên hải miền trung thu hút 1.081 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 818.300 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 465.065 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 244.590 lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng vai trò động lực của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư, đóng góp vào phát triển công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với các vùng khác trong cả nước. Hạ tầng kết nối giao thông chưa được thông suốt, do đó hoạt động liên kết còn hạn chế; kết nối về đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương. Các khu kinh tế ven biển vùng duyên hải miền trung và các khu công nghiệp vùng Tây Nguyên có tính chất tương đồng dẫn đến cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Do vậy, thời gian tới, các Ban Quản lý cần nỗ lực, chủ động khai thác lợi thế nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trong đó chủ động và tích cực trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng và kết nối tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ để tạo chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Đồng thời, các đại biểu kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ và tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng để kết nối giữa vùng kinh tế miền trung và các tỉnh Tây nguyên; hoàn chỉnh hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, cảng hàng không.

Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Song song đó, các đại biểu đề nghị quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và các đô thị làm hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập, đổi mới xúc tiến đầu tư FDI theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế, hướng vào các đối tác giàu tiềm năng, nhất là các nước phát triển có công nghệ hiện đại, tiếp tục mở rộng đối với các đối tác đã đầu tư.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều ý tưởng trong việc mở rộng phạm vi hợp tác, liên kết vùng miền giữa các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên-duyên hải miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh, với hy vọng tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác, trao cho nhau những cơ hội kết nối-hợp tác hướng đến mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực.

Tại hội nghị, 10 doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ liên kết hợp tác, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản hàng hóa, dịch vụ.