Thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể

Tại thành phố Đà Nẵng vừa diễn ra tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung-cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể” với sự tham gia của 17 liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố cả nước. Đây là diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, cũng như đề xuất các giải pháp góp phần mở ra cơ hội liên kết, hợp tác mới, hỗ trợ hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu sản phẩm ở Phiên chợ sản phẩm hợp tác xã tại Đà Nẵng.
Giới thiệu sản phẩm ở Phiên chợ sản phẩm hợp tác xã tại Đà Nẵng.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn hợp tác xã (HTX), 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác. Các loại hình kinh tế tập thể đã và đang đóng góp vào việc sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa khá lớn. Không chỉ tạo ra giá trị về mặt kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã

Trong những năm qua, liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tập trung xúc tiến thương mại như tổ chức và tham gia các hội chợ, diễn đàn xúc tiến thương mại trong và ngoài địa phương để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ; tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ cập nhật sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Một số liên minh HTX đã tổ chức các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác; xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; giữa một số liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã xây dựng được mối quan hệ liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Tại Phiên chợ sản phẩm hợp tác xã đầu tiên diễn ra vừa qua tại Đà Nẵng có sự tham gia của 15 liên minh HTX các tỉnh, thành phố, với 45 gian hàng trưng bày, giới thiệu hơn 500 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, các làng nghề đại diện cho hơn 4.000 HTX của các địa phương. Mang 8 sản phẩm đặc trưng của đơn vị đến phiên chợ, chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon (thành viên Liên minh HTX tỉnh Nghệ An) rất vui khi sản phẩm của mình được nhiều người ghé đến trải nghiệm và mua sắm.

Chị Hằng chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi cùng đoàn của tỉnh đến xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng, với mong muốn có thể giới thiệu sản phẩm đến với nhiều người hơn. Đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi được kết nối với các đại lý cũng như học tập thêm từ những HTX khác để phát triển sản phẩm và thương hiệu”.

Tăng cường kết nối, liên kết

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập và khó khăn như: Nguồn lực phân bổ cho liên minh HTX còn hạn chế; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể giữa liên minh HTX các tỉnh, thành phố còn quá ít, chưa tạo thành mạng lưới đủ mạnh; việc kết nối giữa các mô hình kinh tế tập thể với nhau và với các loại hình doanh nghiệp khác còn ít, chưa bền vững…

Ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng cho rằng, với thành công của phiên chợ đầu tiên, liên minh HTX các tỉnh, thành phố cần tiếp tục duy trì tổ chức hằng năm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể trong và ngoài thành phố.

Ở tỉnh Kon Tum, hiện có 497 HTX, tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia. Nhiều mô hình HTX với các ngành đặc trưng hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành tốt.

Ông Hà Năm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum chia sẻ: Tỉnh đã có những yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, nhất là sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm; tạo nên vùng nguyên liệu rộng lớn, các chuỗi sản xuất khép kín, giúp người sản xuất và đơn vị thu mua thuận lợi. Bên cạnh đó, tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Việc các liên minh HTX cùng nhận diện rõ những khó khăn, thách thức cũng như thống nhất tìm ra các phương thức liên kết hiệu quả, thiết thực có thể thúc đẩy kết nối với nhau nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.