Các số liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm nay, 3-2, cho thấy, lượng khí thải từ việc sản xuất và sử dụng dầu, khí đốt và than đá vào tháng 12 năm 2020 cao hơn 2% so với một năm trước đó.
IEA cho biết, sự phục hồi trong hoạt động kinh tế cùng với việc thiếu các chính sách năng lượng sạch đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia đang chứng kiến lượng khí thải cao hơn so với trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành IEA, Tiến sĩ Fatih Birol cho biết: “Sự tái gia tăng của lượng khí thải carbon toàn cầu vào cuối năm ngoái là một cảnh báo rõ ràng rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn thế giới chưa được đẩy mạnh”.
“Nếu các chính phủ không nhanh chóng đưa ra các chính sách năng lượng phù hợp, điều này có thể khiến cho việc biến năm 2019 trở thành đỉnh cao nhất về lượng khí thải toàn cầu của thế giới có thể không thực hiện được”, ông Birol cảnh báo.
Các nhà khoa học trước đây đã tính toán lượng khí thải CO2 đã giảm 7% trong cả năm 2020 khi mọi người ở nhà vì đại dịch.
Tiến sĩ Birol cho biết: “Những con số cho thấy chúng ta đang quay trở lại hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều carbon như bình thường. Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng về thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt trong việc chuyển đổi nhanh chóng hệ thống năng lượng toàn cầu”.
Carbon dioxide là khí nhà kính chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho rằng, để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ trung bình không tăng 2 độ C, lý tưởng là không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cần phải giảm phát thải CO2 do con người tạo ra và các khí đốt nóng hành tinh khác xuống gần bằng không vào giữa thế kỷ này.
Số liệu của IEA cho thấy, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có lượng phát thải tăng vào năm 2020, trong khi ở Mỹ giảm 10% so với năm 2019. Đến tháng 12, lượng phát thải năng lượng của Mỹ gần bằng cùng kỳ năm 2019, điều này là do kinh tế phục hồi và sử dụng than nhiều hơn do giá khí đốt cao hơn và thời tiết lạnh hơn.