Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm và bài học sau đó

NDO -

NDĐT – Việc tất cả mọi người được yêu cầu ở nhà để tránh lây lan Covid-19 đã mang lại cho hành tinh một luồng không khí trong lành khác thường. Các nhà khoa học dự đoán khí thải nhà kính thời gian này có thể đạt mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nhưng trên hết, đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta những bài học hữu ích.

Khách du lịch trên kênh đào Venice năm 2013 (trái). Nước trong các kênh đào của Venice trong hơn khi không có thuyền vào đầu tháng 3 (phải). Ảnh: Getty Image.
Khách du lịch trên kênh đào Venice năm 2013 (trái). Nước trong các kênh đào của Venice trong hơn khi không có thuyền vào đầu tháng 3 (phải). Ảnh: Getty Image.

“Đám mây” nitơ dioxide tan trên bầu trời Trung Quốc

Các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Italy khi hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus.

Virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Khi nó nhanh chóng tràn sang các khu vực lân cận, chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa thành phố, cách ly 11 triệu người ở Vũ Hán. Cuối cùng, việc phong tỏa đã nới rộng ra gần 60 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc.

Các hoạt động công nghiệp tại điểm nóng virus corona bị đình trệ và đi lại ở Trung Quốc bị hạn chế, có nghĩa là giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ đã bị tạm dừng hoặc thu hẹp lại ở một số khu vực.

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan, những hạn chế di chuyển đã góp phần giảm 25% lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong bốn tuần bắt đầu vào cuối tháng 1, so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích của Myllyvirta cũng cho thấy các hoạt động công nghiệp đã giảm 15% xuống 40% trong một số lĩnh vực và tiêu thụ than tại các nhà máy điện giảm 36%.

Các vệ tinh theo dõi ô nhiễm do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã quan sát thấy sự sụt giảm lớn về ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trong hai tuần vào tháng 2 khi việc kiểm dịch có hiệu lực. Các vệ tinh đã đo nồng độ nitơ dioxide, được phát thải từ ô tô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp, từ ngày 1 đến ngày 20-1 và từ ngày 10 đến 25-2. Sự khác biệt là không thể nhầm lẫn.

Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm và bài học sau đó ảnh 1

Mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc trong tháng 1 tương phản với mức độ trong tháng 2. Ảnh: NASA.

“Đám mây” nitơ dioxide đã "đậu" trên Trung Quốc vào tháng 1 dường như "bốc hơi" vào tháng hai. Các nhà khoa học của NASA cho biết, việc giảm phát thải tương tự đã được quan sát thấy ở các quốc gia khác trong thời kỳ này.

"Đây là lần đầu tiên tôi thấy sự sụt giảm kịch tính như vậy trên một khu vực rộng lớn như vậy cho một sự kiện cụ thể", Fei Liu, một nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, cho biết trong một tuyên bố.

Thiên nhiên Italy đẹp hơn trong đại dịch Covid-19

Mức độ ô nhiễm đã giảm tương tự ở Italy, nơi đã trở thành trung tâm của đại dịch virus corona bên ngoài Trung Quốc.

Để nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus corona, vào ngày 8-3, Italy đã phong tỏa khu vực phía bắc. Hai ngày sau, Thủ tướng Italy đã mở rộng lệnh phong tỏa ra cả đất nước, dừng hết các phương tiện giao thông trên các tuyến đường thủy nổi tiếng. Và việc vắng bóng người khiến thiên nhiên ở đây có những thay đổi nhanh chóng.

Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm và bài học sau đó ảnh 2

Vùng nước trong vắt ở Venice vào đầu tháng 3 là một "lợi ích" ngoài ý muốn của việc phong tỏa vì dịch Covid-19 ở Italy. Ảnh: Getty Image.

Ở Venice, các kênh rạch gần đây nước bắt đầu trong hơn, có thể nhìn thấy rõ những con cá bơi dưới nước. Một số người dân ở Venice bắt gặp những chú thiên nga trắng muốt xuất hiện trên những con kênh trong thành phố. Nhiều đài phun nước ở Rome cũng trở nên lạ lẫm không kém khi xuất hiện của những chú vịt thảnh thơi bơi lội.

Nồng độ nitơ dioxide trong khí quyển trên Italy cũng giảm nhanh chóng, giống như ở Trung Quốc. Một phân tích của The Washington Post cho thấy sự sụt giảm đáng kể nhất được quan sát thấy ở phía bắc Italy.

Nitơ dioxide có thể gây kích ứng phổi và hít phải chất ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và viêm phổi. Mặc dù khí độc hại không được coi là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, nghiên cứu nồng độ của nó trong khí quyển có thể giúp các nhà khoa học hiểu được các loại khí nhà kính bẫy nhiệt khác gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ô nhiễm không khí giảm rõ rệt ở Mỹ

Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm và bài học sau đó ảnh 3

Nhà ga tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, TP New York đã thưa thớt vào ngày 7-3 trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng đối với dịch Covid-19. Ảnh: Getty Image.

Kể từ khi con người giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch Covid-19, New York, Mỹ đang trải qua sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide

Ở New York, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%. Và lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô đã bị cắt giảm một nửa kể từ khi mọi người bắt đầu ở nhà càng nhiều càng tốt.

Theo công ty theo dõi dữ liệu TomTom, mức độ tắc nghẽn giao thông đã giảm 13,5% trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 13-3 so với cùng tuần năm 2019. Trong giờ cao điểm trong cùng thời gian, tắc nghẽn giao thông đã giảm hơn 26%.

Jordan Wildish, giám đốc dự án tại tổ chức phi lợi nhuận môi trường Earth Economics có trụ sở tại Tacoma, Washington, Mỹ đã phát triển một bảng điều khiển trực tuyến để theo dõi chất lượng không khí ở San Francisco, thành phố New York và khu vực Seattle, so sánh các phép đo với các số liệu tương tự thời gian năm ngoái

Ở San Francisco, nồng độ trung bình của các hạt nhỏ (các hạt nhỏ trong không khí nguy hiểm vì chúng có thể được hít sâu vào phổi) thấp hơn gần 40% so với năm trước. Thành phố New York giảm 28% trong cùng khoảng thời gian và Seattle-Tacoma-Bellevue đã giảm 32%.

Cùng với đó, ngành công nghiệp hàng không sử dụng nhiều khí thải, chiếm 2,6% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu hiện đang rơi vào tình trạng đóng băng. Có thể mất vài tháng, nếu không phải là nhiều năm, để mọi người quay trở lại du lịch bằng hàng không do virus coronacó thể tồn tại trong vài mùa.

Với những biến động kinh tế này, ngày càng có nhiều khả năng lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu sẽ giảm vào năm 2020.

Bài học cho con người trước đại dịch

Trong khi các dữ liệu chỉ ra sự sụt giảm phát thải khí nhà kính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cảnh báo khí thải vẫn có thể phát tán theo cách khác. Khi con người dành thời gian nhiều ở nhà, đặc biệt là trong thời tiết lạnh, thì họ sẽ phải bật hệ thống sưởi và các thiết bị trong thời gian dài hơn.

Christopher Jones, một chuyên gia chính sách khí hậu tại Đại học California, Berkeley, Mỹ nói rằng việc sử dụng năng lượng tại nhà có khi còn nhiều hơn số tiền tiết kiệm được từ việc không lái xe đi làm. Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu giải trí tại gia đình, nhiều nơi đã sử dụng lượng dữ liệu băng thông kỷ lục trong thời gian gần đây.

Con người cũng thải ra hàng núi rác thải khi ngồi tại nhà và đặt đồ ăn, còn các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn, đồ uống trong các cốc, hộp nhựa dùng một lần mà chưa thể tái chế. Trung Quốc cũng đang ngập ngụa trong chất thải y tế (thường là các mặt hàng sử dụng một lần) do các bệnh viện thải ra. Tại thành phố Vũ Hán, chất thải y tế tăng gấp bốn lần lên hơn 200 tấn mỗi ngày.

Đại dịch Covid-19 cũng có thể thúc đẩy những thay đổi hành vi ít rõ ràng hơn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến dấu chân carbon của con người. Thí dụ, mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà gần đây tăng đột biến khi mọi người ngày càng tránh các không gian công cộng.

Dấu chân carbon của mua sắm trực tuyến, so với việc mua hàng trong một cửa hàng, thường rất khó để phân tích. Theo một nghiên cứu gần đây, nó phụ thuộc vào việc giao hàng đến từ một cửa hàng trong cộng đồng hay được vận chuyển từ nơi khác, và phương tiện vận chuyển mà người mua hàng thường sử dụng để nhận hàng.

Mặt khác, các chuyên gia cảnh báo rằng việc giảm phát thải quan sát được chỉ là tạm thời và khi các thành phố, quốc gia và nền kinh tế phục hồi trở lại sẽ tiếp tục phát thải, trừ khi từ những bài học trong đại dịch, con người sẽ có những thay đổi lớn trong xã hội.

Bà Jacqueline Klopp, đồng giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững tại Đại học Columbia, thành phố New York, Mỹ cho biết, dữ liệu gần đây từ Bộ Giao thông Vận tải bang New York cho thấy sự gia tăng người đi xe đạp trên cầu của thành phố New York trong tháng này. Càng có nhiều người sử dụng xe đạp hơn là các phương tiện khác khi dịch bệnh lan rộng.

Để hỗ trợ người dân trong việc thay đổi thói quen này, chính quyền nên đầu tư vào làn đường xe đạp an toàn, tách biệt và vỉa hè thoáng đãng, cũng như các tiện ích không quá xa nơi mọi người sống.

“Đây là điều quan trọng mà các thành phố cần quan tâm. mà đáng buồn thay điều này thường bị bỏ quên. Dịch Covid-19 đang nhắc nhở chúng ta cần sự thay đổi trong đầu tư và tầm nhìn này”, bà nói.

Liệu mọi người có thể tiếp tục áp dụng những thay đổi thân thiện với môi trường hơn trong hành vi của mình sau đại dịch hay không là một câu hỏi khác.

Theo bà Jacqueline Klopp, đại dịch có thể khiến các công ty và chính phủ nhận ra rằng có các mối đe dọa khác đối với nhân loại, như biến đổi khí hậu, có thể tàn phá nặng nề đến thế nào và bắt buộc con người phải phát triển các biện pháp bảo vệ.

“Khi chúng ta chuyển sang khởi động lại các nền kinh tế này sau đại dịch, chúng ta cần sử dụng thời điểm này để suy nghĩ về những gì chúng ta cần coi trọng", bà nói. "Chúng ta muốn quay trở lại hiện trạng ô nhiễm, hay muốn giải quyết những vấn đề lớn này và tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta theo hướng giảm khí thải và ô nhiễm?”