Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thông tin, tổng nhu cầu cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh có 3.156 hộ, trong đó 2.672 căn xây mới; 484 căn sửa chữa.
Trong đó, hộ người có công với cách mạng gồm 469 hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm 601 hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát gồm 2.086 hộ.
Đối với nhóm người có công với cách mạng, tỉnh phấn đấu hoàn thành trước 30/4/2025.
Đối với 2 nhóm thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, đăng ký thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát hoàn thành theo điều kiện địa phương.
Theo đó, thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc là 2 địa phương hoàn thành mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý I/2025; huyện Châu Phú, thị xã Tịnh Biên hoàn thành chậm nhất đến ngày 30/4/2025.
Huyện Thoại Sơn xác định hoàn thành trước ngày 19/5/2025; thị xã Tân Châu và 4 huyện Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành và An Phú phấn đấu hoàn thành trong quý II/2025. Huyện Chợ Mới hoàn thành trong quý III/2025.
Tổng huy động nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đến thời điểm hiện tại là 139 tỷ đồng; tính đến ngày 25/3, toàn tỉnh tổ chức khởi công xây dựng 1.647 căn (đạt 52,19%), trong đó: 1.509 căn xây mới và 138 căn sửa chữa, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 978 căn.

Đến 31/10/2025: Cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang biểu dương những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị địa phương trong triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Tình hình triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.
Đồng chí lưu ý, trong cơ chế phân bổ và giám sát việc sử dụng nguồn vốn cần đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, tiêu cực; yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan phải có trách nhiệm, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch; đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân như hỗ trợ về tài chính, pháp lý, kỹ thuật…