Hướng tới xây dựng thị trường lao động hiện đại

NDO -

Dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa vùng và hội nhập quốc tế. 

Ảnh minh họa: Ðình Ðức
Ảnh minh họa: Ðình Ðức

Định hình hành lang pháp lý

Hướng tới xây dựng thị trường lao động hiện đại -0
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (Ảnh: Duy Linh).

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030”. Đề án này hết sức quan trọng nhằm góp phần cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hướng tới xây dựng một thị trường lao động (TTLĐ) định hướng XHCN.

Cùng với đó, hai đề án còn góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế thị trường của TTLĐ.

Hướng tới xây dựng thị trường lao động hiện đại -0
Tọa đàm trực tuyến “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045”(Ảnh: Duy Linh).

Đây là chia sẻ của ông Bình tại tọa đàm trực tuyến mang chủ đề “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Báo Nhân Dân tổ chức.

10 năm qua, quy mô TTLĐ nước ta còn nhỏ. Các thể chế TTLĐ mới được thiết lập có hành lang pháp lý như trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại đúng như tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bắt buộc phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển.

Đề án cũng cần phải giải quyết được vấn đề thực tiễn. Hơn một thập kỷ qua, TTLĐ Việt Nam phát triển rất mạnh trong nước. Điều này thể hiện ở chỗ có những vùng TTLĐ biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với TTLĐ quốc tế, như khu vực Đông Nam Bộ hay đồng bằng sông Hồng. Cả nước đã có những TTLĐ chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, như thị trường đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Đối với miền núi, phải có TTLĐ riêng, để vừa bảo đảm phát triển hài hòa với trình độ phát triển của khu vực này, nhưng cũng phù hợp với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc. Đề án này kỳ vọng giải quyết được những điểm căn bản đó.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Cho nên, cũng có thể gọi là đa tầng, mỗi tầng có một trình độ phát triển khác nhau. Mỗi tầng cụ thể hóa quan điểm của Đảng là vai trò của Nhà nước và thị trường phải được xác định rất rõ. Nhà nước và thị trường quan hệ như thế nào ở trong thị trường ở vùng miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng và ở vùng Đông Nam Bộ rất khác nhau. Ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng, vai trò của Nhà nước có tính chất kiến tạo nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn. Ở vùng miền núi, Nhà nước có tính chất thu hút, thậm chí có những nơi, Nhà nước phải tạo những cơ chế để đưa cho NLĐ tham gia vào thị trường.

Theo TS Vũ Trọng Bình, khái niệm đa lĩnh vực có nghĩa là thị trường có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Với những lĩnh vực mà chuỗi giá trị kết nối chặt chẽ với chuỗi giá trị của thế giới, ở đây phải có những thị trường chuyên nghiệp và tuân theo luật chơi quốc tế hết sức chặt chẽ. Thí dụ, nếu NLĐ muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, họ phải đạt một số tiêu chí. Việc sử dụng NLĐ cũng phải đúng theo chuẩn mực quốc tế. Đề án cũng phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, nhằm hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế.

Xây dựng một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại

Hướng tới xây dựng thị trường lao động hiện đại -0
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Duy Linh).

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao đề xuất xây dựng dự án. Đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho người lao động (NLĐ) làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho họ.

Tuy nhiên, TS Bùi Sỹ Lợi nhận định, đề án cần phải xử lý hai vấn đề.

Trước hết, phải khắc phục cho được tồn tại hiện nay đang đặt ra đối với Chính phủ về giải quyết việc làm cho NLĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, quan hệ cung - cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng, và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, TTLĐ là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại.

Tiếp nữa, đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ.

Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cho được một TTLĐ ổn định, hài hòa và hiện đại.

Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm mấy yếu tố: Thể hiện thể chế về cơ chế chính sách về TTLĐ; Đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; Chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai là phải giải quyết được chất lượng TTLĐ, vì chất lượng thị lao động giải quyết việc làm bền vững. Theo đó, để giải quyết việc làm bền vững đáp ứng mấy vấn đề: Đáp ứng việc làm theo quyền của con người theo quy định Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc; Bảo đảm có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm các chức năng về sau khi NLĐ rời khỏi TTLĐ vẫn có thể tồn tại; Bảo đảm an toàn lao động, an toàn tính mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc.

Đề án cũng phải hỗ trợ NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho NLĐ để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, họ vẫn có cơ hội tìm việc làm khác.