Hướng đến thống nhất tổng thể hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

NDO -

Các đại biểu đã nêu rõ thực trạng, những mô hình tham khảo và cùng thảo luận về thực trạng, giải pháp định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 12/10, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cơ sở đào tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một số địa phương trong cả nước.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đang trên đà phát triển, nhưng cần nhiều cú hích

Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau thời kỳ Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022 và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối thực hiện việc thành lập 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có Công văn số 3701/BKHCN-PTTTDN ngày 20/12/2021 hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng. Trong đó, việc hình thành trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng và quốc gia và quốc tế; gợi ý chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động cụ thể để triển khai.

Hướng đến thống nhất tổng thể hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 1

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Những con số trên cho thấy Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang trên đà phát triển, nhưng cần nhiều cú hích để phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là việc hình thành các hệ sinh thái địa phương, vùng, chuyên ngành với chủ thể là các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST cần được quan tâm và có sự liên thông, phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng thể cho hệ sinh thái. Mô hình tổ chức hoạt động, cách thức phối hợp, vai trò, địa vị pháp lý, nguồn lực tổ chức thực hiện là những vấn đề lớn cần thảo luận để làm rõ.

“Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, quy mô và hiệu quả hoạt động của Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước khi chúng ta thống nhất tổng thể về hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST” - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Cần có sự đồng bộ

Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cần có sự đồng bộ từ hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người.

Thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý và các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, xây dựng các chính sách thử nghiệm, thí điểm phục vụ cho việc đẩy nhanh các sản phẩm, dịch vụ ĐMST của doanh nghiệp ra thị trường.

Đồng thời, thực thi công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá, kiểm tra, đo lường các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các chuyên gia quốc tế cho các địa phương; hướng dẫn, quy định về tiêu chí công nhận, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đảm bảo các Trung tâm phát triển đồng bộ, hiệu quả.

Hướng đến thống nhất tổng thể hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 2

Ông Phạm Hồng Quất trình bày về thực trạng và định hướng phát triển hệ thống tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, mức chi cho các chuyên gia trong nước và nước ngoài rất thấp và thiếu. Việc đưa các starup trong nước ra nước ngoài và ngược lại chưa có cơ chế hỗ trợ; việc góp vốn vào các quỹ, quy định quản lý bảo toàn vốn của các doanh nghiệp khi sử dụng vốn cũng đang thiếu, vướng luật bảo tồn vốn; Nghị định 109 đưa ra nhiều quy định tốt, liên kết trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết; luồng xanh cho thủ tục sở hữu trí tuệ vẫn chưa cụ thể…

“Đây là những điểm chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện. Và hy vọng luật sửa Luật Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn tới có thể đưa vào những chính sách, để chúng ta có thể triển khai được” - ông Quất cho biết thêm.

TP Hồ Chí Minh đang là một trong hai “đầu tàu” của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020 với chi phí hợp 320 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi tập hợp và kết nối các nguồn lực; lan tỏa các chính sách hỗ trợ; cung cấp dịch vụ về khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học…

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh kiến nghị các chính sách khác cho Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là: Cung cấp các dịch vụ công khác liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian làm việc; văn phòng làm việc cho starup, sử dụng trang thiết bị, địa điểm huấn luyện; được tham gia đầu tư vào starup từ các nguồn tài chính thu được…

Tại Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST được thành lập năm 2021 là đầu mối kết nối mạng lưới khởi nghiệp trong và ngoài nước và triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Hướng đến thống nhất tổng thể hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 3

SURF đang trở thành ngày hội lớn của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng.

Tiến sĩ Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng kiến nghị, nhất thiết phải hình thành một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có một nguồn nhân lực có đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận, nhà nước phải đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. Về cơ chế chính sách, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế chính sách nào đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST.

Các kiến nghị, đề xuất sẽ là cơ sở để đưa ra định hướng phát triển mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương và quốc gia.