Trung tâm là mô hình hợp tác ba nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp cùng xây hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm góp phần tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học - công nghệ.
Trung tâm có bảy không gian riêng biệt, gồm: không gian làm việc chung, không gian tổ chức sự kiện, không gian họp, không gian đào tạo STEM, không gian cà phê sáng tạo, không gian hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực Fablab.
Trung tâm đi vào hoạt động sẽ tập hợp, liên kết các mạng lưới, chuỗi mạng lưới chuyên môn trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; nhà đầu tư, quỹ đầu tư; các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực khoa học công nghệ, phát triển sáng kiến cộng đồng và các thử nghiệm thực tế gắn liền với định hướng phát triển thành phố thông minh của tỉnh.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã khai trương Tổng đài 1022, công bố vận hành Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương. Hệ thống hoạt động 24 giờ/ngày và bảy ngày/tuần (kể cả ngày lễ, tết) nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức bằng nhiều phương thức khác nhau, như: điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, các ứng dụng trên internet.
Sau khi tiếp nhận, hệ thống sẽ xử lý trả lời tự động hoặc thông qua nhân viên trực hệ thống hoặc chuyển tiếp cho cơ quan, đơn vị có chức năng xử lý để có kết quả trả lời.
Giai đoạn trước mắt, hệ thống sẽ tiếp nhận thông tin liên quan đến các lĩnh vực như: thủ tục hành chính; an ninh trật tự, cứu nạn cứu hộ và thông tin phản ánh hiện trường về tồn tại, hạn chế, bất cập đang diễn tra tại tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, sau năm 2020 sẽ nâng cấp hệ thống thành Trung tâm điều hành Thành phố thông minh Bình Dương.