Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh và các các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất, Xuân Lộc bố trí đủ lực lượng tham gia điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông tiếp cận làm quen với tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua địa bàn.
Trong đó, ưu tiên bố trí lực lượng tập trung tại các nút giao, đường ngang, các lối ra vào của tuyến; xử lý nghiêm theo thẩm quyền nếu các cá nhân cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Các đơn vị liên quan tỉnh Đồng Nai phối hợp Ban quản lý dự án Thăng Long, Khu quản lý đường bộ IV tham gia điều tiết, tổ chức giao thông, tuần tra kiểm soát, tuyên truyền về an toàn giao thông, tổ chức xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc phối hợp trong công tác hướng dẫn điều tiết và tổ chức giao thông tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khánh thành, đưa vào sử dụng sáng 29/4. Tuy nhiên, còn một số hạng mục như đường gom, đường ngang, một số nút giao vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, để bảo đảm dự án khai thác hiệu quả, an toàn, thuận lợi, thông suốt, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhất là vào đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông tiếp cận làm quen với tuyến đường cao tốc mới.
Đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có tổng mức đầu tư là 12.577,5 tỷ đồng; chiều dài tuyến khoảng 99km đi qua địa bàn hai tỉnh Bình Thuận 47,5km và Đồng Nai 51,5km. Dự án được khởi công vào tháng 9/2020 và chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng sáng 29/4/2023.