Hưng Yên xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hưng Yên đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản và chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, khu vực nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Hưng Yên xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân đánh giá: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX, nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên tiếp tục có nhiều khởi sắc mới trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, cơ giới hoá, kinh tế hợp tác, phát triển nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản được chỉ đạo thực hiện hoàn thành và nhiều chỉ tiêu vượt mức so mục tiêu của nghị quyết.

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời phối hợp cùng với các cấp, ngành ban hành mới và rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch về nông nghiệp, nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức triển khai việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc... Gắn kết thực hiện việc chuyển đổi số với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAHP, theo hướng an toàn sinh học.

Tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025 và định hướng 2030. Hỗ trợ cơ giới hóa, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chứng nhận sản phẩm OCOP, an toàn thực phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thu hút đầu tư, tích tụ tập trung ruộng đất... đã tạo nên chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngành trồng trọt tiếp tục chuyển mạnh sang sản xuất theo hướng chất lượng cao; đến nay tỉnh Hưng Yên đã có: hơn 3.700ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGap và sản xuất hữu cơ; hơn 19 nghìn ha trồng cây hiệu quả thấp được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, nhất là: cây nhãn đạt khoảng 5000ha, vải hơn 1.100ha, cây có múi hơn 4.600ha, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt hơn 70% diện tích cấy lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2022 đạt 230 triệu đồng.

Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn lợn đạt hơn 487 nghìn con, tổng đàn trâu bò hơn 36 nghìn con, tổng đàn gia cầm 9,4 triệu con từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học và chiến tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Trong đó, tổng quy mô chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP lên 2.801.682 con gia súc, gia cầm, sản xuất an toàn theo chuỗi. Nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, “nuôi lồng bè trên sông” và “nuôi thủy sản trong ao bán nổi” với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh; đến nay tỉnh Hưng Yên có 374 hợp tác xã và 416 tổ hợp tác. Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, với 199 sản phẩm OCOP được xếp loại, đánh giá từ 3 sao trở lên. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn đang tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và có sự chuyển dịch hiệu quả. Sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị có sự hợp tác, liên kết giữa nông dân, các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp đã hình thành ở tất cả các lĩnh vực sản xuất và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được đẩy mạnh; các nhiệm vụ giảm nghèo, an sinh xã hội và an ninh chính trị nông thôn được quan tâm chỉ đạo sát sao, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng; nhất là huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay đạt khoảng 13.721 tỷ đồng; trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 85 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.806 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 2.825 tỷ đồng, ngân sách xã 3.875 tỷ, vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.140 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp khoảng 579 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ nhân dân khoảng 597 tỷ, các nguồn lực khác khoảng 2.814 tỷ đồng.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống của các cấp, các ngành đã tạo sự đồng thuận và chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt được những thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 2,66%/năm; toàn tỉnh Hưng Yên đã có 98 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 70,5% tổng số xã và 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 17,3% tổng số xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 64,42 triệu đồng/người, tăng 14,42 triệu đồng so năm 2020.

Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới

Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập: liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao nhiều nơi còn manh mún; việc tìm đầu ra cho các loại nông sản còn khó khăn. Đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao, nước sạch, vệ sinh môi trường. Công nghệ bảo quản, chế biến chủ yếu vẫn là tiêu thụ sản phẩm thô hoặc chế biến thủ công quy mô nhỏ, hộ gia đình. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế..

Để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững, gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết; thời gian tới tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tập trung một số giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn: Tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch; hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch,...

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.