Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 31 sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh. Trong đó, có một chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng; 12 nhãn hiệu chứng nhận và 18 nhãn hiệu tập thể.
Tiêu biểu là nghệ Chí Tân, chuối tiêu hồng Khoái Châu; vải lai chín sớm Phù Cừ; mật ong hoa nhãn Hưng Yên; nếp thơm Hưng Yên; vải trứng Hưng Yên; long nhãn Hưng Yên; đúc đồng Lộng Thượng-Văn Lâm; tương Bần; gà Đông Tảo...
Những kết quả ban đầu
Xã Hồng Nam là vùng trồng nhãn khá lớn của thành phố Hưng Yên, chủ yếu là những giống nhãn cùi, nhãn Hương Chi, nhãn đường phèn có chất lượng ngon, thơm với diện tích khoảng 200 ha. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Nam Nguyễn Ngọc Hưng cho biết:
Trong nhiều năm qua, thành phố Hưng Yên đã hỗ trợ nông dân thành lập hợp tác xã, tổ chức trồng và chăm sóc cây nhãn theo quy trình VietGAP để sản xuất ra những chùm nhãn quả to đồng đều, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng của tỉnh giúp nông dân xã Hồng Nam xây dựng, lập hồ sơ chỉ dẫn địa lý vùng nhãn lồng Hưng Yên, vùng trồng nhãn xuất khẩu, tham gia xây dựng và phát triển nhãn hiệu Nhãn lồng Hưng Yên...
Đến nay, xã Hồng Nam đã có bảy hợp tác xã sản xuất nhãn, diện tích trồng nhãn theo quy trình VietGAP hơn 137 ha, nâng cao giá trị quả nhãn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam), Trần Thị Bắc cho biết: Từ năm 2016, khi hợp tác xã được thành lập và được chuyển giao công nghệ theo quy trình VietGAP thì năng suất, chất lượng của quả nhãn ở thôn Nễ Châu được cải thiện, nâng cao; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP 3 sao.
Các doanh nghiệp, thương nhân đến ký hợp đồng, đặt mua hàng với hợp tác xã ngày càng nhiều, quả nhãn qua các kênh phân phối được đưa vào siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử, trung tâm thương mại, hội chợ... với giá cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Do vậy, số hộ trồng nhãn đăng ký tham gia vào hợp tác xã ngày càng nhiều.
Đến nay, hợp tác xã có 39 thành viên, với diện tích khoảng 18 ha, sản lượng nhãn hằng năm khoảng 300 tấn, luôn được tiêu thụ hết với giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%.
Anh Lê Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu chia sẻ: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu đã thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Từ đó, làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm gà Đông Tảo trên thị trường, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng; đồng thời, bảo tồn và phát huy được nguồn gen của giống gà quý hiếm từ lâu đời này.
Trong những năm qua, Hưng Yên đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản; Đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương...
Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hưng Yên đã triển khai một số đề tài, dự án, tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi trọng điểm của tỉnh. Đến nay đã có nhiều đơn vị, sản phẩm tiêu biểu trong việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu làm ăn hiệu quả, có sức lan tỏa trên thị trường.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Ngoài những nhãn hiệu sau khi được bảo hộ đã được khai thác hiệu quả, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được công nhận, nhưng việc duy trì và phát triển còn khó khăn chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Trong đó có vai trò quan trọng của những người tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, giữ gìn nhãn hiệu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trần Tùng Chuẩn cho biết: Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên với nhiều giải pháp.
Trong đó, trọng tâm là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể trong việc quản lý, phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất được sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu đã được bảo hộ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm trong Chương trình OCOP của tỉnh để có định hướng khai thác, phát triển phù hợp.
Cùng với đó, Hưng Yên đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cho các chủ nhãn hiệu, người sản xuất các sản phẩm đã được bảo hộ để chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng hiệu quả lô-gô, tem nhãn và các dấu hiệu nhận biết nhãn hiệu trong sản xuất, kinh doanh, coi chúng như một phần giá trị của sản phẩm; xây dựng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết cách nhận biết sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm, tham gia chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn truy xuất sản phẩm.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mang tên địa danh; có từ 10 đến 15 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho ít nhất một chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ đối với các sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu.