Hợp tác xây dựng nền tảng dữ liệu Big Data về bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam

NDO - Ngày 7/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) và DataStreams (Hàn Quốc) ký kết hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng AI, nhằm phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo ứng dụng dịch vụ y tế thí điểm từ xa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện VKIST và DataStreams ký kết biên bản hợp tác
Đại diện VKIST và DataStreams ký kết biên bản hợp tác

Hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng AI giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) với DataStreams là một phần trong Dự án mục tiêu cung cấp dịch vụ tư vấn và phát triển mô hình AI trong y tế và các yếu tố công nghệ liên quan đến nền tảng dữ liệu (Big Data) về bệnh truyền nhiễm và dịch vụ y tế từ xa.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ cùng làm việc với các bệnh viện lớn tại Việt Nam nghiên cứu xây dựng nền tảng big data về bệnh truyền nhiễm, phát triển các mô hình AI dựa trên dữ liệu lâm sàng thu được như mô hình phản ứng và dự đoán tác dụng phụ; dịch vụ y tế thí điểm từ xa.

Phát biểu tại lễ ký kết, PGS, TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST, nêu rõ, Hàn Quốc là quốc gia có đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, chiếm tới 73%. VKIST được kỳ vọng thành cầu nối giữa hai quốc gia về mặt công nghệ, là hạt nhân lan tỏa tri thức khoa học công nghệ.

Trong bối cảnh các bệnh viện lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải, việc khám chữa bệnh từ xa ứng dụng AI được quan tâm nhất là những nơi vùng sâu, xa. Đưa công nghệ khám bệnh từ xa tiếp cận tới các xã, vùng sâu vùng xa là cấp thiết, đặc biệt sau Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm chưa có dữ liệu đầy đủ...

Hợp tác xây dựng nền tảng dữ liệu Big Data về bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam ảnh 2

PGS, TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST phát biểu tại lễ ký kết.

Ông Young Sang Lee, CEO DataStreams, nhấn mạnh AI đang tác động đến nhiều lĩnh vực trong tương lai, từ chăm sóc sức khỏe đến những cải tiến trong nhà máy thông minh. Những đổi mới công nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu trực tiếp của cộng đồng còn mở ra nhiều hướng phát triển cho thế giới trong tương lai.

Ông đánh giá thị trường AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phát triển mạnh và Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Việt Nam đang cần công nghệ Big Data, AI, yếu tố đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển giao công nghệ và cần làm sao để ứng dụng được công nghệ trong chăm sóc sức khỏe.

Do đó, ông tin tưởng sự hợp tác tạo kết nối, làm nên sự khác biệt nhiều lĩnh vực, trong đó có hành trình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Sự hợp tác với hy vọng chuyển giao công nghệ ở mức độ toàn cầu, đối với cả Việt Nam.

Hợp tác xây dựng nền tảng dữ liệu Big Data về bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam ảnh 3

Quang cảnh lễ ký kết hợp tác.

Ông Young Sang Lee cho biết thêm, DataStreams phát triển Data Fabric, được thống kê là một trong 10 công nghệ cốt lõi vào năm 2022, đây là khung dữ liệu được tập hợp dựa trên nền tảng cốt lõi công nghệ dữ liệu lớn. Thông qua dự án, DataStreams kết hợp với VKIST đưa nền tảng Data Fabric ứng dụng trong hệ thống y tế để có thể sử dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến nhất.

"Việc kết hợp sử dụng data để phân tích dữ liệu về bệnh hay AI phân tích dữ liệu sẽ đưa ra dự đoán hiệu quả nhất", ông Young Sang Lee đánh giá.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam. VKIST xây dựng dựa trên sự tham khảo mô hình thành công của KIST, viện khoa học ứng dụng hàng đầu của Hàn Quốc. VKIST nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp và vì vậy có tính ứng dụng rất cao.