Để ngăn chặn kịp thời các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 85 nghìn ca mắc Covid-19 mới, trung bình mỗi tháng ghi nhận khoảng 17 nghìn ca mắc (giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022), trong đó có 20 ca tử vong (tỷ lệ tử vong chết/mắc, giảm xuống còn 0,02%).
Cả nước cũng ghi nhận 32.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có năm trường hợp tử vong tại Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh tay chân miệng ghi nhận gần 8.900 trường hợp mắc; so với trung bình 5 năm gần đây, số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến nhưng có xu hướng tăng cao trong các tuần gần đây và đã có ba ca tử vong trong tháng 5/2023.
Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%); độ tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1 đến 5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%)...
Đáng chú ý, trong tháng 5/2023, trên địa bàn huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) ghi nhận ba ổ dịch bệnh than thể da, với 13 trường hợp mắc tại các xã Mường Báng, Xá Nhè.
Qua điều tra và xét nghiệm đã phát hiện ra vi khuẩn than trong mẫu thịt trâu, bò ốm chết và mẫu đất thu thập tại các hộ gia đình giết mổ trâu, bò ốm và những hộ gia đình có người nghi mắc bệnh than tại khu vực ổ dịch.
Các trường hợp mắc này đều liên quan việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than. Hiện tất cả các trường hợp mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế và chưa có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, 119 người có liên quan ổ dịch (người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) đã được lập danh sách, theo dõi sức khỏe và hiện tại sức khỏe ổn định. Tiền sử dịch tễ cho thấy, các ca bệnh mới này đều được ghi nhận ở những xã đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn, bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi-rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi-rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi-rút đường ruột tuýp 71 (EV71) và Coxsackie A16 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Bệnh thường gặp ở trẻ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Nhận định tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đối với Covid-19, số ca mắc, số ca tử vong đã giảm mạnh so với năm 2021, 2022, tác nhân gây bệnh là vi-rút SARS-CoV-2 đã được xác định, thực tế thời điểm này dịch bệnh vẫn được kiểm soát tại nước ta, qua xem xét, đánh giá cho thấy bệnh Covid-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống truyền nhiễm.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu; bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9-11 hằng năm, nhất là đầu năm học mới. Bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là người lành mang trùng cao nên dịch lây lan rất phức tạp.
Bệnh than, vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang… là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở, hạn chế các hoạt động giám sát và phòng chống dịch.
Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm gia tăng nguy cơ lây sang người.
Giai đoạn 2016-2022, trung bình toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận ổ dịch tập trung; không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
Để chủ động và ngăn chặn kịp thời các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết, than... Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm.
Ngành y tế triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vắc-xin năm 2023; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung bảo đảm độ bao phủ vắc-xin; thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, nhất là tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao và trẻ em.
Các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế, các địa phương thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; rà soát các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tổ chức tập huấn về giám sát và xử lý ổ dịch, chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhất là bệnh than.
Các đơn vị y tế chủ động lực lượng thú y về giám sát và điều tra, xử lý ổ dịch trên người và động vật. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế; thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có điều chỉnh các phương án phòng chống dịch kịp thời, phù hợp.