BIẾN ĐỘNG NHẸ SỐ THỤ HƯỞNG TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2023, cơ quan này đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hai hình thức hằng tháng và một lần cho hơn 7.300 người.
Cụ thể, có 1.775 người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng và 415 người hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Chính sách trợ cấp tai nạn lao động một lần trong năm 2023 có 5.136 người hưởng mới. Cụ thể là 4.977 trường hợp hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần và 159 trường hợp hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần.
Con số này cho thấy, số người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp qua cả hai hình thức hằng tháng và một lần của năm 2023 có biến động nhẹ so với năm trước đó.
Năm 2023, có 1.775 người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng và 415 người hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Chính sách trợ cấp tai nạn lao động một lần có 5.136 người thụ hưởng.
Cụ thể, trong năm 2023, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng này giảm 4,53% (tương ứng giảm 104 người) so với năm 2022. Tuy nhiên, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần lại tăng 3,69% (thêm 183 người) so với năm 2022.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng ổn định trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là do các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tương đối nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Trong năm 2023, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là gần 1,46 tỷ đồng giảm gần 2,3% so với năm 2022, tương đương mức giảm khoảng 34 triệu đồng. Đánh giá sơ bộ cho thấy, đây là một chính sách chưa thực sự hiệu quả như mục tiêu đề ra.
CÒN NÉ TRÁNH, CHẬM TRỄ KHI LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong triển khai thực hiện Đề án 06, cơ quan này đã thực hiện rà soát toàn bộ các quy trình nghiệp vụ, tái cấu trúc quy trình liên thông nhóm dịch vụ công trực tuyến, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, tích hợp, tập trung, hiện đại bảo đảm việc giải quyết hưởng chế độ đối với người lao động được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác.
Công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc triển khai đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, thực hiện lồng ghép linh hoạt với công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu của chính sách.
Một trong những khó khăn, hạn chế hiện nay là vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động cố tình né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với người lao động, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau. Khi người lao động khiếu nại thì mới đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn thủ tục để giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Việc thực hiện chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng qua ATM chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Còn với người hưởng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa hạ tầng cơ sở phục vụ chưa đáp ứng được nên số người hưởng qua tài khoản cá nhân còn thấp. Hiện tại, chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM, dẫn đến cơ quan bảo hiểm xã hội không có thông tin kịp thời khi người hưởng là chủ thẻ ATM từ trần, khó thu hồi tiền đã chi cho những tháng sau khi người hưởng từ trần.
Nguồn nhân lực của cơ quan bảo hiểm xã hội hạn chế về số lượng. Thời gian tới, việc tiếp tục tinh giản biên chế dẫn đến hết sức khó khăn trong việc khai thác hết đối tượng phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ.
Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chính pháp luật liên quan đến chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các nội dung tuyên truyền cần tập trung vào một số nội dung như: Điều kiện hưởng; quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, tập trung truyền thông về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động.
Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tránh các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thông tin từ Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tính đến cuối năm 2022, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp của cả nước kết dư khoảng 60.000 tỷ đồng.
Luật An toàn vệ sinh lao động hiện hành có một chương quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với cách chi và mức hưởng cụ thể của người bị tai nạn lao động. Các quy định này cơ bản được tính theo lương cơ sở nên mức hưởng rất thấp, không bảo đảm cuộc sống của người bị tai nạn lao động.
Mới đây, ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Chỉ thị cũng nêu rõ: “Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng đóng, hưởng linh hoạt, nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước”. Do đó, nội dung này sẽ được nghiên cứu, sửa đổi trong Luật An toàn vệ sinh lao động sắp tới.