Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, hơn 65 nghìn lao động Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 người (trong đó có hơn 19 nghìn lao động nữ) đạt 52,68 % kế hoạch năm 2024.
Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đưa khoảng 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động nước ta trong 5 tháng qua có thể kể tới Nhật Bản: 35.208 người; Đài Loan (Trung Quốc): 21.602 người; Hàn Quốc: 5.209 người.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 người.
Từ đầu năm tới nay, nhiều chương trình xúc tiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đã được triển khai.
Vào tháng 3/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia.
Theo đó, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM, dự kiến bắt đầu trong năm 2024.
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa sáu doanh nghiệp Việt Nam.
Việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ này là dấu mốc quan trọng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam trong hợp tác lao động Việt Nam-Australia.
Cũng trong tháng 6, tại Hà Nội, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) về việc cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.
Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka đài thọ các chi phí. Đó là: toàn bộ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam (từ 8-11 tháng để đạt trình độ tiếng Nhật N4), lệ phí thi chứng chỉ tiếng Nhật (1 lần), lệ phí xin thị thực, chi phí khám sức khỏe (2 lần), vé máy bay (xuất cảnh và về nước khi hoàn thành hợp đồng).
Người lao động khi sang thực tập tại Nhật Bản được bố trí thực tập tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hiệp hội hoặc các bệnh viện là đối tác của Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka.
Người lao động được thực tập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí với mức lương tháng khoảng 36 triệu đồng chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ và được hưởng phúc lợi xã hội, tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định của pháp luật Nhật Bản.