Khẳng định năng lực của ứng viên chương trình EPA
Ngày 4/6, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức lễ xuất cảnh cho ứng viên điều dưỡng và hộ lý khóa 11 đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).
Chương trình EPA đã tuyển chọn 2.231 ứng viên để đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhật Bản. Trong các năm trước, đã có 1.845 ứng viên xuất cảnh đi làm việc tại thị trường này.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sĩ Dũng cho biết, triển khai Hiệp định đối tác kinh tế được Chính phủ hai nước Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) ký kết, trong đó có nội dung di chuyển thể nhân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan đào tạo Meiko Network Japan tổ chức tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 12 khóa theo chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (chương trình EPA).
Tổng cộng có 2.231 ứng viên Việt Nam đã được tuyển chọn để đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhật Bản. Trong các năm trước, đã có 1.845 ứng viên xuất cảnh đi làm việc tại thị trường này.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sĩ Dũng phát biểu tại chương trình. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Trong năm 2024, có 99 ứng viên điều dưỡng, hộ lý nhân viên chăm sóc đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để xuất cảnh sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Qua đó, nâng tổng số ứng viên đã sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận phía bạn theo chương trình EPA lên 1.944 người.
Đây là chương trình phi lợi nhuận giúp những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản.
Sau tròn một thập kỷ kể từ khóa đầu tiên tới Nhật Bản vào năm 2014, các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc hộ lý Việt Nam đã khẳng định năng lực vượt trội so với điều dưỡng viên, hộ lý các nước khác với tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản cao.
Tính đến nay, tỷ lệ đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản của ứng viên điều dưỡng Việt Nam đạt xấp xỉ 80%, và của nhân viên chăm sóc hộ lý là khoảng 93%. Ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc hộ lý Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm cố gắng, cũng như luôn khẳng định chất lượng chuyên môn và nhận được sự đánh giá cao của các cơ sở tiếp nhận phía Nhật Bản.
Tính đến nay, tỷ lệ đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản của ứng viên điều dưỡng Việt Nam đạt xấp xỉ 80%, và của nhân viên chăm sóc hộ lý là khoảng 93%.
Kỳ vọng thành điểm sáng trong hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản
Theo ông Đặng Sĩ Dũng, đợt xuất cảnh thứ 11 của các ứng viên điều dưỡng, hộ lý trong chương trình EPA lên đường sang Nhật Bản lần này là sự kiện rất có ý nghĩa. Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan hai phía Việt Nam, Nhật Bản và bản thân các ứng viên.
Với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đối tác hai bên của Việt Nam và Nhật Bản, trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn những ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đào tạo và đưa sang làm việc tại Nhật Bản. Cùng với đó, có nhiều hơn nữa các ứng viên thi đỗ kỳ thi chứng chỉ quốc gia của nước bạn, và chương trình này sẽ trở thành điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa phát biểu tại lễ xuất cảnh của các ứng viên. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Phát biểu tại lễ xuất cảnh, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa nhấn mạnh, kể từ hôm nay, các ứng viên của chương trình sẽ đứng trên một vạch xuất phát mới và tiến bước trên chặng đường mới. Các bạn sẽ vừa làm việc tại Nhật Bản, vừa hướng tới mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc của Nhật Bản. So với các ứng viên đến từ Philippines và Indonesia, ứng viên Việt Nam có tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia cao và đạt thành tích nổi trội hơn.
Ông Ishii Chikahisa chia sẻ, những người làm công việc chăm sóc điều dưỡng ở Nhật Bản được gọi là “nhân viên thiết yếu”, bởi họ hỗ trợ cuộc sống sinh hoạt của rất nhiều người. Việc các ứng viên xuất cảnh lần này thi đỗ chứng chỉ quốc gia là một mục tiêu quan trọng trong chương trình EPA này. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn là làm sao để các ứng viên có cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh tại Nhật Bản. Khi đó, chắc chắn điều này sẽ là nguồn động viên quan trọng nhất cho gia đình và bạn bè của họ ở Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sĩ Dũng trao chứng chỉ cho các ứng viên tại lễ xuất cảnh. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Bạn Lê Thị Thùy Trang, đến từ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, là một ứng viên điều dưỡng của khóa 11 xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản hôm nay. Trước khi tham gia dự án này, Trang đã có kinh nghiệm làm điều dưỡng ở bệnh viện địa phương. Trúng tuyển chương trình EPA, Thùy Trang đã được tham gia đào tạo tiếng Nhật. Từ một người chưa từng biết gì về ngôn ngữ này, nhờ sự hỗ trợ của các giáo viên trong dự án, Trang đã rất nỗ lực và vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật.
Trong thời gian tới, Trang sẽ tới tỉnh Nagano làm việc. “Khi sang làm việc tại Nhật Bản, em sẽ cố gắng học tập và trau dồi tiếng Nhật tốt hơn. Mục tiêu lớn nhất là thi đỗ chứng chỉ quốc gia thi để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản”, Trang nói.
Trước khi lên đường, Trang khá vui vì đã đạt được mục tiêu, nhưng bản thân cũng còn e ngại về khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Nhưng vui hơn là em luôn có sự động viên của gia đình, bạn bè, thầy cô để lên đường sang Nhật Bản làm việc và học tập, với cơ hội khám phá đầy mới mẻ trong cuộc sống.
Đào Thị Thùy Trâm (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là một ứng viên hộ lý của khóa 11 chương trình EPA. Ngay sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Trâm đã đăng ký tham gia chương trình EPA và trúng tuyển. Trải qua những rào cản ban đầu về ngôn ngữ, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô, Trâm đã đạt chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3 và có thể lên đường sang nước bạn làm việc.
Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp tục tuyển chọn 180 ứng viên điều dưỡng, hộ lý/nhân viên chăm sóc sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình EPA khóa 13. Thời hạn nộp hồ sơ cho các ứng viên sẽ kéo dài đến ngày 31/10/2024.