Hơn 3.888 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ-Hậu Giang

NDO - Chiều 13/9, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về dự án nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ-Hậu Giang (Quốc lộ 61C) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp.
Quang cảnh buổi họp.

Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư, thực hiện vay vốn ưu đãi, phục vụ liên kết vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở trình bày về quy mô, tính khả thi, sự cần thiết về dự án trên của tỉnh Hậu Giang, cũng như trao đổi các điều kiện vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Văn phòng đại diện JICA tại Hà Nội (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), cuộc họp thống nhất bổ trợ hoàn chỉnh quy trình, thủ tục, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư để có thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C có tổng chiều dài tuyến hơn 37km. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.888 tỷ đồng, tương đương hơn 168 triệu USD trong đó, nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản 2.538 tỷ đồng, khởi công năm 2024.

Với quy mô mở rộng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ngoài kết nối tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ, dự án còn tạo sự kết nối với huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang mở ra cơ hội giao thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng cho khu vực.

Tuyến quốc lộ 61C, giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012, có quy mô 2 làn xe (tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng) là tuyến ngắn nhất nối thành phố Vị Thanh-tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ có chiều dài khoảng 37,15km (đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang), đóng vai trò là trục dọc kết nối với các trục đường ngang quy hoạch như: Tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Tuyến Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu tạo thành mạng giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, tuyến đường này kết hợp với quốc lộ 1A, quốc lộ 61, quốc lộ 61B, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, tuyến nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp..., tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, do đây là tuyến đường ngắn, huyết mạch nên hầu hết phương tiện chọn để di chuyển, làm cho mật độ tăng nhanh, dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh chóng hư hỏng, luôn rình rập nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.

Do đó, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch là hết sức cần thiết, nhằm tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế-xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và đi Thành phố Hồ Chí Minh.