Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 40.000km2, dân số khoảng 19 triệu người với rất nhiều tiềm năng nhưng hạ tầng giao thông vẫn là "vùng trũng" so với cả nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, đầu tư công dành cho đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 17% tổng đầu tư công của cả nước, tỷ lệ này dù đã được ưu tiên nhưng chỉ đạt mức trung bình, chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của vùng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ, sau đó nối kết với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt. Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ đã nghiên cứu từ rất lâu. Đây là con đường chiến lược và vô cùng quan trọng để đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận, khi tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Trung Lương-Mỹ Thuận chưa được khai thông thì kẹt xe thường xuyên trên quốc lộ 1A, mất từ 2-3 giờ mới qua khỏi địa phận tỉnh Tiền Giang. Từ ngày đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tình hình ùn tắc xe đã không còn, kể cả trên cao tốc và trên quốc lộ 1A, đáp ứng mong muốn của người dân, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí logistic.
“Tầm quan trọng của đường cao tốc đã được chứng minh khá rõ và còn rất nhiều tuyến đường cao tốc khác cần được Trung ương quan tâm đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao năng lực lưu thông, đi lại. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm công bố quy hoạch tuyến đường để các địa phương chủ động quản lý”, ông Trần Văn Bon nhấn mạnh.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm chia sẻ, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa cao, đời sống người dân còn khó khăn, tính kết nối nội vùng, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91km đường bộ cao tốc trên tổng số 1.239km của cả nước, chỉ chiếm 7%.
Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia. Cụ thể, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định đến năm 2050 toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.180km trên tổng số 9.014km của cả nước; trong đó, đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.
Cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là đường cao tốc, các ý kiến trao đổi tại hội thảo cũng cho rằng, việc quan tâm đến đồng bằng sông Cửu Long cần phải nhìn rộng hơn ở góc độ về phát triển đô thị bền vững, chú trọng công nghiệp chế biến, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực… Từ đó, tạo “cú hích” cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, xứng đáng là đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á.