Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, cho biết: Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay, bởi đó là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng.
Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, phát biểu tại hội nghị. |
Thái Bình hiện có gần 10 nghìn doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2022, lần đầu tiên địa phương này vượt mốc 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới.
Qua theo dõi, phần lớn cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn được tiếp cận nhanh chóng quá trình chuyển đổi số vì sẽ cắt giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa được năng suất làm việc của người lao động và lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp trực tiếp truyền đạt nhiều nội dung về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. |
Tại hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số, hơn 200 doanh nghiệp lớn ở tỉnh Thái Bình đã được nghe Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam trực tiếp truyền đạt nhiều nội dung quan trọng như: Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0; Công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số theo chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số là điều tất yếu hiện nay và cũng là xu thế chung của thế giới.
Trung tâm điều khiển xa của Điện lực tỉnh Thái Bình được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. |
Thực tế cho thấy, 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.