Hội thảo Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh

NDO - Ngày 24/8, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo “Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh” với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong và ngoài tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.
Hội thảo Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.

Tại Hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan đến vị trí, vai trò và sự tác động của các dòng sông cổ tới những đặc trưng của văn hóa Hưng Yên trong các mục tiêu phát triển hiện nay; công tác bảo tồn làng cổ ở Hưng Yên; phát triển văn hóa Hưng Yên trên nền tảng phục hồi, cải tạo và nâng cấp dòng sông cổ.

Các đại biểu bàn luận về thực trạng và giải pháp nhằm phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh; xây dựng con người văn hóa, nhân tố cốt lõi góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: nguồn lực văn hóa của Hưng Yên bao gồm ba loại nguồn lực chính, đó là nguồn lực di sản văn hóa, nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa, nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo, phát triển giá trị văn hóa.

Mặc dù nguồn lực văn hóa ở Hưng Yên rất giàu có, phong phú, đa dạng, nhưng tất cả mới dừng lại ở dạng tiềm năng. Do vậy, tỉnh cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết: Vùng đất Hưng Yên hiện lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc, những yếu tố đó đã góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng có của mảnh đất Phố Hiến.

Người dân Hưng Yên tự hào về quê hương văn hiến, với bề dày di sản và giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước.

Người dân Hưng Yên tự hào về quê hương văn hiến, với bề dày di sản và giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước như Triệu Việt Vương, danh tướng Phạm Bạch Hổ, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám. Các nhà hoạt động chính trị, những người chiến sĩ cộng sản kiên trung là Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Văn Linh….

Do vậy, những năm qua, các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thiết chế văn hóa từng bước được đồng bộ. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy.

Đặc biệt, những đức tính trung thực, thẳng thắn, hiếu học, sáng tạo, cần cù, tiết kiệm, thủy chung, gắn kết cộng đồng của con người Hưng Yên được kế thừa và phát triển.

Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thật sự được ngang hàng với kinh tế- chính trị. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thật sự lành mạnh; việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số cơ chế, chính sách và hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hóa còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển; nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp.

Việc xác định, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa vào phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa và thực tiễn các mục tiêu kinh tế-xã hội còn hạn chế.

Vì vậy, Hội thảo lần này là dịp để đánh giá tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực văn hóa xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Việt cho biết: Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phổ biến giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, giúp mọi người thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.

Địa phương quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.