Nghĩa Trụ là một dòng sông cổ, còn gọi là Tế Giang, bắt nguồn từ sông Hồng, điểm đầu phân lưu thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Rằng tôi cũng đã về già như... sông
Năm 1958, đại công trình thủy nông Bắc - Hưng - Hải khởi công, dòng sông được chia làm hai nhánh lớn, một nhánh chảy vào địa phận tỉnh Hưng Yên, nhánh khác chảy vào địa phận Hà Nội.
Trời trở gió heo may, sương sớm lảng bảng chưa tan. Cụ Tô Văn Hiên (Bát Tràng, Hà Nội) vẫn nhất quyết đòi xuống thuyền với anh con cả: “Tôi đi chuyến cuối dối già!”. Anh Tô Văn Hợp con của cụ nghĩ ngợi, “gió máy” này, đi với chả chơi? Nhưng anh cũng đành tặc lưỡi: “Cụ đi thì con chiều cụ”.
Thuyền nổ máy, rời bến. Đây là một trong số ít thuyền còn chở gốm Bát Tràng giao các điểm bán lẻ ven đê sông Hồng, sông Thương… Nhìn đôi bờ xanh, thuyền lướt nhanh trên dòng nước, cụ Hiên thở dài, mường tượng ký ức, nói một mình: “Chao ôi, ngày xưa, thuyền bè tấp nập”.
Vốn là hậu duệ của dòng họ Tô nổi tiếng khoa bảng ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên), nhưng cụ Tô Văn Hiên chỉ là người chở thuyền trên sông Nghĩa Trụ. Chiến tranh, loạn ly, ông nội của ông Hiên lưu lạc tới làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) làm nghề chở thuyền, nay đã truyền đến thế hệ thứ tư. Thuở hoa niên, ông Hiên được người cha hay chữ cho theo dòng nước mát cùng dư âm lịch sử của dòng sông cổ.
Ngày ấy, trên thuyền gỗ xuôi ngược sông Nghĩa Trụ còn mênh mông phù sa đỏ. Ông Hiên ngồi lẫn hàng chum vại. Thuyền đầy gốm, nồi niêu mầu nâu, âu gốm men ngọc, độc bình hoa văn rồng chầu nhật nguyệt, sọt bát đĩa sứ trắng ngà. Ông Hiên lẩn thẩn nhớ lại: “Tôi ngày đó hiếu động, hay hỏi, thấy cái gì cũng hỏi. Cha tôi kiên nhẫn giảng giải, mình đang đi qua Kiêu Kỵ, nhà mái cong là chùa Minh Ngộ, đây đoạn Thạch Bàn có đình Ngô”.
Nghe cha ông Hiên kể con sông Nghĩa Trụ giống con rồng nước có nhiều chân, chính là hệ thống kênh ngòi tự nhiên, làm cửa tiêu thoát úng lũ cho vùng đất cổ Tế Giang. Thuyền bè từng tấp nập giao thương giữa lộ Hồng, lộ Khoái với kinh thành Long Biên. Đôi bờ, cư dân thường tổ chức nghi lễ cầu mưa, cầu mùa, vì nạn lụt thường gây tai họa khủng khiếp.
Qua lời kể, nạn lụt năm Nhâm Thìn (1352), mưa lớn liên tục, nước lũ theo sông Nghĩa Trụ dâng trào, các vùng đất trũng mới khai hóa ngập trắng băng. Dòng nước chảy xiết xoáy cuộn khiến đoạn đê hai xã Đại Bát và xã Thổ Khối vỡ toang. Nhà cửa, lợn gà, xác người, cây cối vùng Khoái Châu, Hồng Châu, bị cuốn trôi vào dòng nước. Lũ rút, cư dân thất thần, vẫn phải sống thôi, lại khơi sông, đắp đê, xây dựng làng mạc, khai hóa ruộng đồng bờ bãi lại từ đầu. Làng Bát Tràng cũng không ngoại lệ.
Thời cụ Hiên còn nhỏ, làng chưa đông đúc. Chỉ lác đác nhà ngói nâu, còn toàn nhà tranh vách đất, đằng trước trồng cau, sau nhà trồng chuối. Riêng con đường làng, tuy có chỗ bong tróc nhưng vẫn đẹp như tranh vẽ với hàng gạch nghiêng, đoạn nâu sẫm, đoạn đỏ au, ngoằn ngoèo xuyên qua bờ rào duối xanh ngắt. Mùa gặt, đường làng được trải thảm rơm dày, trẻ con chạy nhảy, lăn lộn chơi đùa. Cuối đường là đồng ruộng, xen những vạt lúa, chi chít những hố vuông, tròn do người làng đào đất về làm gốm.
Cũng như bao làng quê Bắc Bộ, đường làng Bát Tràng như nhân chứng cho vòng đời của kiếp người. Bao bước chân nông dân lam lũ qua lại, bước chân gái làng trên xác pháo ngày vu quy, bước chân người làng tiễn người quá cố.
Với cụ Hiên, con đường cũng in dấu nhói đau con tim thời trai trẻ. Ấy là lần chia tay người yêu đầu tiên. Nàng con nhà khá giả, làm nghề gốm nổi tiếng trong làng. Ông Hiên chỉ là dân ngụ cư, chở thuyền và làm gốm vặt.
Lò gốm nhà cụ Hiên nhỏ, ra lò toàn những mẻ gốm “hỏa biến” - sản phẩm không đều cả mầu sắc lẫn dạng hình. Tiếng sang của dòng họ Tô nổi tiếng khoa bảng, cũng chỉ là cái bóng mờ, không giúp ông Hiên kết đôi nổi với người làng gốc.
Đêm ấy, ngoài đình diễn chèo “Quan Âm thị Kính”, cụ Hiên không xem. Tan diễn, đám đông già trẻ, nam thanh nữ tú xôn xao ra về. Cụ Hiên một mình trên con đường gạch nghiêng, về phía bến sông, nơi con thuyền độc mộc cắm sào đứng đợi.
Từ đó, cụ Hiên toàn ở dưới thuyền. Sầu bay trên cánh thời gian, thời gian đủng đỉnh lại mang vui về. Niềm vui đến với chàng lái thuyền họ Tô trong dịp xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Cụ Hiên và trai gái làng Bát Tràng cùng hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh, sinh viên, chỉ dùng thuổng, mai, cuốc, xẻng, đào mới và nạo vét hàng triệu mét khối đất đá, mở rộng dòng chảy hệ thống sông Nghĩa Trụ, phục vụ công cuộc trị thủy cho vùng châu thổ rộng lớn. Cụ Hiên gặp người yêu mới, kết duyên vợ chồng, sinh được hai người con trai và vẫn làm nghề chở thuyền trên sông.
Và phôi pha những làng cổ
Chuyến đi thuyền dối già của cụ Hiên kết thúc ở bến sông quê nội Xuân Cầu. Làng giờ đã giảm vẻ cổ kính, đường lát bê-tông, san sát nhà tầng, xa xa những khối bê-tông xám ngắt, sừng sững, ngất nghểu lưng chừng trời. Đình làng sơn son thếp vàng sáng choang. Giếng cổ vẫn tảng đá xanh quanh thành nhưng có vành khung thép bịt miệng. Duy có cây đa già còn cổ kính với gốc xù xì và chùm rễ dài rủ xuống. Tại nhà thờ tổ họ Tô, ảnh thờ các cụ nghiêm trang, áo gấm quần trắng, ngồi chĩnh chiện trên ghế bành chạm trổ công phu, hai tay đặt ngay ngắn trên vịn.
Sau chuyến đi, cụ Hiên cảm giác vẫn có điều gì chưa thỏa. Hóa ra, ký ức của những câu chuyện kể dòng sông cổ của cha vẫn ẩn hiện. Theo triền đê tìm mạch sông dĩ vãng, cụ lần lượt từ Bát Tràng sang Kiêu Kỵ thăm chùa Minh Ngộ, qua Đa Tốn vãn cảnh chùa Đào Xuyên, rẽ vào Thạch Bàn thắp hương tại đình Ngô và chùa Cầu Bây… Dừng chân tại cụm di tích đình, chùa Lệ Mật (chùa Cổ Giao) ở Việt Hưng, Long Biên - theo lời cha cụ thì đây là điểm cuối của sông Nghĩa Trụ trước khi nhập vào dòng Thiên Đức cổ xưa.
Sân đình đang có lễ, trang hoàng lộng lẫy với nhiều cờ hoa, quạt, nến thắp, hương cao rực rỡ. Trò múa rắn độc đáo tượng trưng cho thủy quái bị đánh bại bằng sức mạnh và ý chí của một tráng sĩ, được tôn làm thành hoàng làng.
Với chuyến đi này, cụ Hiên kết luận, dòng chảy khác xưa, đôi bờ khác xưa. Dòng nước bẩn hơn và bên bờ thì nhà lộng lẫy, phô trương.
Đã nhiều năm nay, làng gốm Bát Tràng - một trong những làng nghề cổ xưa bên bờ sông Hồng, cũng là đầu nguồn sông Nghĩa Trụ, phải mua đất sét từ xa mang về làm gốm, nguồn cung chủ yếu từ Chí Linh (Hải Dương). Đất mua về sẽ được hòa tan trong nước, lọc sỏi cát mịn. Sau công đoạn này, người ta chờ cho bùn lắng khô, cất đi làm gốm. Đến làng gốm Bát Tràng trải nghiệm nghề làm gốm bằng tay tại các xưởng gốm. Ở đây, khách dù là già, trẻ, gái, trai muốn nặn gốm sẽ được các bậc thầy, bậc thợ hướng dẫn. Khi nặn xong rồi bạn muốn mang về cũng được hoặc muốn gửi lại nhờ lò nung cũng được chấp nhận ngay, tất nhiên là bạn phải trả một khoản tiền nhưng đó là một trải nghiệm rất vui.