Hoạt động công tác xã hội chung tay vì người lao động

Nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong đời sống và nâng cao phúc lợi cho người lao động, thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động công tác xã hội có sức lan tỏa sâu rộng. Những hoạt động này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Trao tặng mái ấm Công đoàn cho người lao động ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. (Ảnh: Hoàng Trung)
Trao tặng mái ấm Công đoàn cho người lao động ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. (Ảnh: Hoàng Trung)

“Mái ấm Công đoàn” dành cho người lao động khó khăn

Từ đầu tháng 12 tới nay, trên cả nước, rất nhiều đoàn viên công đoàn đã được bàn giao “Mái ấm Công đoàn” để họ yên tâm sống trong căn nhà mới khang trang, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, các quỹ “Mái ấm Công đoàn” đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp nhiều công nhân, lao động hoàn cảnh khó khăn có một mái ấm, giúp họ ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với công việc của mình.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2022, Quỹ "Mái ấm Công đoàn" của tỉnh đã đã hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho 45 gia đình đoàn viên với tổng số tiền hỗ trợ là 1,670 tỷ đồng; thăm hỏi, trợ cấp 94 người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, cháy nhà, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 199 triệu đồng.

Như tại Thái Nguyên, dựa vào sức mạnh của tổ chức công đoàn, cũng như phát huy vai trò công tác xã hội, huy động các nguồn lực trong cộng đồng, Quỹ “Mái ấm Công đoàn” của địa phương này đã hỗ trợ xây dựng 53 mái ấm công đoàn và nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 1,855 tỷ đồng.

Những ngôi nhà "Mái ấm Công đoàn" là nguồn động viên to lớn đối với những gia đình người lao động khó khăn có nơi ở mới, ổn định cuộc sống và yên tâm lao động. Điều này giúp họ thêm động lực vượt qua khó khăn phấn đấu vươn lên, chăm lo cho người thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hướng tới mục tiêu của công tác xã hội nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống và nâng cao phúc lợi của mọi người, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực trong việc giúp người lao động nghèo giải quyết những khó khăn mà họ đang gặp phải. Trong đó, vấn đề sinh kế, nhà ở luôn được quan tâm hàng đầu.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 9.206 căn. Trong đó: Hỗ trợ xây mới 6.840 căn, sửa chữa 2.366 căn. Tổng số tiền lên đến gần 364 tỷ đồng. Hoạt động chăm lo từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 9.206 đoàn viên và người lao động nghèo.

Từ năm 2006, chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Theo đó, Quỹ “Mái ấm Công đoàn” được thành lập nhằm hỗ trợ đoàn viên và công nhân viên chức, lao động nghèo, đang ở nhà tạm, nhà tranh vách đất, bị dột nát, nhà hư hỏng nặng; hoặc hỗ trợ gia đình đoàn viên bị thiên tai, hỏa hoạn làm hư hỏng toàn bộ hoặc hư hỏng nặng một phần nhà ở.

Trải qua 13 năm triển khai, Quỹ “Mái ấm Công đoàn” đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng. Vì vậy, ngày 14/11/2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2019- 2023.

Văn bản nêu rõ chỉ tiêu tiếp tục thực hiện Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, hằng năm phấn đấu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa từ 3.000 căn nhà trở lên cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 9.206 căn. Trong đó: Hỗ trợ xây mới 6.840 căn, sửa chữa 2.366 căn. Tổng số tiền lên đến gần 364 tỷ đồng. Hoạt động chăm lo từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 9.206 đoàn viên và người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được ở trong những căn nhà mới, không còn hư hỏng, dột nát.

“Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã và đang trở thành một hoạt động xã hội rộng lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn xây dựng lại nhà ở”, ông Hiểu khẳng định.

Với cán bộ nhân viên, người lao động nghèo, chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã thực sự thắp lên niềm tin, niềm hy vọng cho nhiều gia đình công nhân viên chức lao động phải sống trong gia cảnh thiếu thốn, tạm bợ. Ý nghĩa của chương trình không chỉ giúp đỡ họ xây dựng lại ngôi nhà mà mục đích là tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Thêm niềm tin cho người lao động

Bên cạnh đó, để góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, chưa có nhà ở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” ngày 12/5/2017. Mục tiêu của Đề án là xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Triển khai Quyết định trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 thiết chế công đoàn tại các tỉnh. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan hoàn thiện thủ tục, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 10 thiết chế công đoàn tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà, 244 căn hộ để đoàn viên, người lao động lựa chọn.

Những hoạt động thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội như trên đã ghi dấu ấn nỗ lực của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác chăm lo cho người lao động trong thời gian gần đây.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 thiết chế công đoàn tại các tỉnh.
Đến nay, dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà, 244 căn hộ để đoàn viên, người lao động lựa chọn.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội đã đặt ra những vấn đề hết sức to lớn. Điều này đòi hỏi công tác xã hội đối với đối tượng cần trợ giúp nói chung và người lao động nói riêng phải tiếp tục được nhận diện rõ ràng hơn và trở thành hoạt động có tính chất chuyên nghiệp.