Hậu Giang xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp

NDO - Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Hậu Giang đã triển khai các mô hình thí điểm, bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Các mô hình thí điểm cấp tỉnh được triển khai trong năm 2024.
Các mô hình thí điểm cấp tỉnh được triển khai trong năm 2024.

Hiệu quả bước đầu

Đến nay, Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Trong năm 2024, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180 ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP...

Mặc dù, chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực cho nông dân khi giảm chi phí đầu tư nhờ việc giảm sử dụng lượng lúa giống trong gieo sạ (bình quân giảm 20kg/ha). Đồng thời, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, cũng như giảm lượng nước không cần thiết khi cung cấp cho cây lúa. Đặc biệt là năng suất lúa trong mô hình tăng từ 0,2-0,3 tấn/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Mặt khác, các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

Cùng với đó, từ nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - dự án GIC, tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ; 15 lớp huấn luyện nông dân hợp tác xã về kinh doanh (FBS) và 15 lớp nâng cao năng lực cho hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha.

Đối với xây dựng các công trình phục vụ Đề án, các địa phương trong tỉnh đang triển khai duy tu bảo dưỡng một số công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành,...

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết: Đề án nói trên có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành hàng lúa lúa gạo tỉnh Hậu Giang mà còn với toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân trồng lúa mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững.

Hậu Giang xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp ảnh 1

Sản xuất lúa theo mô hình ướt khô xen kẻ ở huyện Châu Thành A.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả đề án này còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với Hậu Giang, diện tích đất nông nghiệp nói chung, cụ thể là diện tích đất trồng lúa đa số là vùng phèn, trũng. Do đó, cũng gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ.

Về cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi và máy móc thiết bị để phục vụ vùng sản xuất lúa tham gia Đề án vẫn còn hạn chế. Các mô hình thí điểm tham gia đề án đã thực hiện, nhưng việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế.

Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ cacbon nên cũng góp phần hạn chế nông dân tham gia; chưa đạt được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống, đặc biệt là việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch, vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao từ phía người nông dân. Thiếu sự hướng dẫn chi tiết và các chính sách hỗ trợ kịp thời cũng là một trở ngại lớn trong việc thực hiện các mô hình sản xuất bền vững.

Một vấn đề khó nữa là vai trò của Doanh nghiệp trong tham gia Đề án chưa được quy định cụ thể, kể cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo, doanh nghiệp về tín chỉ cacbon…

Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28 nghìn ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đến năm 2030, tỉnh sẽ tăng lên đạt diện tích 46 nghìn ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.

Theo đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025), tỉnh tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT), tập trung cho các công tác, tập huấn, xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa phát thải thấp đạt tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình, sơ kết, tổng kết kêu gọi đầu tư.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030) tổ chức triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp tỉnh Hậu Giang” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao carbon thấp qua các hoạt động về đầu tư hệ thống tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước và sử dụng nước; đầu tư hệ thống đê bao liên vùng kết hợp giao thông, vận chuyển nông sản để giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả; phát triển và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và quản lý dự án.

Hậu Giang xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp ảnh 2

Thu hoạch lúa bằng máy máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, tại Hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang”, do ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, đã gợi mở nhiều giải pháp giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo.

Nhất là trong phần Tọa đàm của Hội thảo, các diễn giả đại diện cho mối liên kết 04 nhà (nhà nông dân- nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước) cũng đã chỉ ra các thực trạng, thuận lợi, khó khăn thách thức trong chuỗi giá trị lúa gạo và mối liên kết 04 nhà ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng, từ đó, đề ra các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, đồng bộ, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững.

Thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, theo chủ trương của Chính phủ.