Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên (Hà Nội), còn gọi là Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ-Nghi Tàm, là công trình giao thông cấp II, công trình đê điều cấp đặc biệt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài.
Trong đó, giai đoạn 1 của dự án gồm xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng Yên Phụ-Nghi Tàm (vượt qua đường An Dương và đường Thanh Niên) có chiều dài 271m, bề rộng 10m, kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương dài khoảng 1,1km bằng việc thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê-tông cốt thép đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2028, vừa bảo đảm công tác an toàn chống lũ vừa kết hợp phục vụ giao thông, tạo cảnh quan đô thị.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ đoạn từ nút giao lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, chiều dài tuyến khoảng 3,7km, gồm các hạng mục chính như: xây dựng tường chắn bê-tông cốt thép (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất kết hợp mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên; xây dựng hệ thống chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè, cầu thang bộ, lắp đặt pha0, đèn tín hiệu giao thông tại các cửa khẩu…; hạ cao độ đường Âu Cơ, tổ chức lại giao thông trên tuyến bảo đảm đồng bộ với đoạn đường đê Nghi Tàm đã hoàn thành trong giai đoạn 1.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng do gặp nhiều vướng mắc trong giải quyết thủ tục và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án mở rộng đường đê Âu Cơ-Nghi Tàm được chia làm bốn đoạn và đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho thành phố Hà Nội xây dựng đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4 với chiều dài hơn 1km.
Tháng 5/2021, sau khi lấy ý kiến các ban, ngành và tiến hành khoan thăm dò địa chất bổ sung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố Hà Nội thay đổi thiết kế đoạn 3 (từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Âu Cơ-Lạc Long Quân) có chiều dài 2,7km, do đây là đoạn đê yếu và thấp hơn những đoạn khác trên tuyến.
Đoạn đê này cần để riêng biệt giữa đường dân sinh và đường chính, nhưng ở cùng một cao độ, thay vì thiết kế mặt đường đê có hai cao độ khác nhau như thiết kế ban đầu. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đoạn số 3 theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được các ngành chức năng thẩm định. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cấp phép thi công đoạn số 3.
Mặt khác, trong quá trình triển khai Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ-Nghi Tàm có Dự án xây dựng tuyến cáp ngầm Tây Hồ-Yên Phụ do Tổng công ty điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện, nằm dưới kết cấu đường giao thông, nên khi đào đến đáy kết cấu đường, đơn vị sẽ bàn giao cho Tổng công ty điện lực Hà Nội thi công tuyến cáp ngầm. Sau khi thi công xong tuyến cáp ngầm mới bàn giao lại để thi công đường.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết, hiện nay Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới cấp phép thi công một phần đoạn số 3, từ khách sạn Thắng Lợi đến chợ hoa Quảng Bá (dài khoảng 1km). Đoạn còn lại dài khoảng 2 km, sau Tết Nguyên đán mới được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép thi công, khi đó quận Tây Hồ thi công xong đường Xuân Diệu, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trong dịp Tết trên tuyến giao thông trọng điểm này. Chủ đầu tư sẽ đôn đốc các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2024 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.