Các hoạt động của dự án được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc 4 đúng trong quản lý dinh dưỡng bao gồm: Ðúng loại, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm và đúng địa điểm.
Nguyên tắc mà dự án xây dựng tương ứng với nguyên tắc bón phân 5 đúng quy định tại Luật Trồng trọt của Việt Nam, bao gồm: Ðúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách.
Về phía Việt Nam, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều đề án như “Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” với mục đích khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ-hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững; đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPMH) đến năm 2030 với mục tiêu tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất... và gần đây nhất là đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua dự án, nông dân tại các tỉnh triển khai dự án sẽ được tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp chính xác nhằm sử dụng tối ưu đầu vào bao gồm phân bón trong trồng lúa, để từ đó có thể nhân rộng các kinh nghiệm tốt trong cả nước.
Dự án được triển khai tại 3 tỉnh Ðồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Thái Bình, Nam Ðịnh) và 3 tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Ðồng Tháp và Sóc Trăng). Dự kiến sẽ có hơn 2.600 cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ đào tạo ngắn hạn do dự án hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện dự án, các loại khí nhà kính như CH4, N2O cũng được tiết giảm, tính tương đương sang CO2 sẽ là 56.000 tấn CO2/năm so với thời điểm trước khi thực hiện dự án.