Quyết tâm của EU và Mỹ
Từ ngày 1/10, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) giai đoạn 1, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon và là một trong những trụ cột trong Chương trình nghị sự 55 đầy tham vọng của khối.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, CBAM sẽ áp dụng đối với nhập khẩu xi-măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Các nhà nhập khẩu ở EU sẽ phải báo cáo khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu, nhưng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV/2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/1/2024.
Giai đoạn chuyển tiếp cho phép Ủy ban châu Âu (EC) thu thập thông tin về lượng khí thải tạo ra đối với hàng hóa nhập khẩu để chuẩn bị cho giai đoạn áp dụng CBAM tiếp theo, dự kiến bắt đầu năm 2026. Kể từ thời điểm đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ khí thải CBAM theo mức giá carbon hiện hành tại EU, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của khối. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni cho biết, CBAM được áp dụng nhằm khuyến khích quá trình chuyển đổi xanh trên toàn thế giới và ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất ở châu Âu chuyển hoạt động sản xuất đến các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn.
CBAM là cơ chế đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, được thiết kế để tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm ngăn chặn chính sách bảo hộ. EU cam kết giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so mức năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ vừa công bố kế hoạch loại bỏ đồ nhựa dùng một lần trên các khu vực đất công vào năm 2032, trong đó có các công viên quốc gia nổi tiếng. Theo tuyên bố của Bộ Nội vụ Mỹ, cơ quan giám sát các vùng đất do liên bang quản lý, rác thải nhựa là một vấn đề môi trường được ưu tiên giải quyết hàng đầu. Phần lớn rác thải nhựa dùng một lần tại các công viên quốc gia, nơi sinh sống của động vật hoang dã và khu bảo tồn do liên bang quản lý là chai, túi nylon hoặc thìa dĩa nhựa. Bộ Nội vụ Mỹ nhấn mạnh, nhựa, bao gồm các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết và dễ thay thế, đang hủy hoại đời sống của sinh vật biển cũng như động vật hoang dã trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chưa đầy 10% trong số các sản phẩm nhựa sản xuất trên thị trường được tái chế.
Cam kết của các công ty dầu khí
Lãnh đạo của hơn 50 doanh nghiệp gồm các công ty dầu khí (đại diện phía cung) và các công ty nhôm, thép và xi-măng (phía tiêu thụ) đã tham dự Hội nghị và triển lãm dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để thúc đẩy một cam kết mạnh mẽ trong cắt giảm lượng khí thải carbon, trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28). Mục đích của hội nghị là giải quyết các vấn đề như thương mại hóa hydro, thúc đẩy công nghệ thu hồi carbon, loại bỏ khí methane và tăng cường năng lượng tái tạo.
Nhấn mạnh vai trò của các công ty sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng hóa thạch trong ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE kiêm Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber kêu gọi ngành dầu khí phải là một phần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo ông Sultan Al Jaber, tính đến ngày 2/10 vừa qua, hơn 20 công ty dầu khí đã hưởng ứng lời kêu gọi và cam kết hướng tới mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí methane và đến năm 2050 trung hòa khí carbon.