Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Hòa Bình đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố, tụt 18 bậc so với năm 2020. Đây là lần thứ hai Hòa Bình ở vị trí này, trước đó là năm 2013. Theo phân tích của các chuyên gia PCI, sự sụt giảm của Hòa Bình là do bị các doanh nghiệp đánh giá thấp ở hầu hết các chỉ số, trong đó các chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính minh bạch và thiết chế pháp lý giảm mạnh.
Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, tỉnh Hòa Bình có rất nhiều tiềm năng, có dư địa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI. Mặc dù chỉ số PCI của Hòa Bình tương đối thấp, nhưng các chỉ số về cải cách hành chính, Hòa Bình đứng ở nhóm trung bình, trung bình cao. Hòa Bình cần chuyển được những nỗ lực cải cách sang đối tượng trọng tâm cho doanh nghiệp, thì chỉ số năng lực cạnh tranh của Hòa Bình sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tín hiệu tích cực của tỉnh Hòa Bình là chỉ số về sự tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh được đánh giá rất cao, nhưng hiệu quả thực thi, những quyết định của lãnh đạo tỉnh chưa cao... Cần truyền tải được tinh thần cải cách, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các nghị quyết của tỉnh, các bộ chỉ số, chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh trở thành hành động hằng ngày của đội ngũ cán bộ công chức, chính là điểm cốt lõi để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới môi trường đầu tư như: Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập, quy hoạch quá nhiều, nhưng chất lượng thấp; Luật chưa quy định đầy đủ và thống nhất về trình tự thực hiện dự án đầu tư; Cơ cấu nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất kinh doanh tự thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; Hạ tầng giao thông chưa tốt, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa tốt...
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh Hòa Bình cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan đơn vị. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất... làm cơ sở định hướng cho sự phát triển của tỉnh Hòa Bình trong tương lai. Đồng thời, hoạch định rõ những vị trí có lợi thế, tiềm năng để tập trung nguồn lực, ngân sách Nhà nước để đầu tư các hạ tầng thiết yếu theo thứ tự ưu tiên, sẵn sàng các điều kiện để nhà đầu tư có thể sản xuất kinh doanh ngay khi có quyết định đầu tư. Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp giải quyết thủ tục của các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước...