Hòa Bình phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao hướng tới xuất khẩu

NDO - Ngày 17/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu".
0:00 / 0:00
0:00
Buổi toạ đàm thu hút đông đảo các đại biểu tham gia.
Buổi toạ đàm thu hút đông đảo các đại biểu tham gia.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng nhấn mạnh, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như sắn, chè, mía, chuối... mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động tham mưu ban hành các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, từ đó phát triển ổn định lĩnh vực trồng trọt.

Hiện, ngành nông nghiệp của tỉnh duy trì ổn định ở mức 36 nghìn ha lúa, 40 nghìn ha ngô, 11,5 nghìn ha rau đậu, 7.500-8.000 ha mía, hơn 9,5 nghìn ha cây ăn quả có múi. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền.

Kế hoạch phát triển giai đoạn năm 2023-2025, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ công nghệ chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm; năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chủ lực; coi trọng thị trường Vùng Thủ đô; quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham luận nhằm tìm ra các giải pháp phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao như: Cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ công nghệ chế biến và xuất khẩu; cải thiện, nâng cao chất lượng nhóm nông sản chủ lực trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp, công nghệ thiết bị có thể chế biến đa dạng chủng loại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.