Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản Tây Nguyên

NDO -

Ngày 21/5, tại TP PleiKu (Gia Lai), Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn kết nối Tây Nguyên với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản Tây Nguyên”.

Lễ ký kết hợp tác  giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và 7 hiệp hội.
Lễ ký kết hợp tác  giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và 7 hiệp hội.

Dự và chỉ đạo có Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và hơn 200 doanh nghiệp hoạt động tong lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng sản phẩm.

Báo cáo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 5 triệu ha, chiếm hơn 91% đất tự nhiên; khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng công-nông nghiệp và chăn nuôi.

Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng tăng bình quân 6,5%/năm. Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng các loại cây trồng như: cao-su (233 nghìn ha, sản lượng 278 nghìn tấn); cà-phê (681 nghìn ha, sản lượng 1,7 triệu tấn);  hồ tiêu (82,8 nghìn ha, 192 nghìn tấn), điều, chanh dây, bơ…

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nông nghiệp Tây Nguyên gây dấu ấn 1 năm thành công ấn tượng, khi nhiều tỉnh trong khu vực không chỉ kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả ở thị trường trong nướ mà còn tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà-phê, hồ tiêu, cao-su... không chỉ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu mà còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.

Diễn đàn đã nghe nhiều ý kiến tham luận của các hiệp hội, doanh nghiệp, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, phải đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu; quá trình sản xuất phải tạo được sự đồng thuận và phù hợp năng lực, nguyện vọng của người dân, tích hợp đa ngành; gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác theo chuỗi giá trị. Huy động nguồn lực tổng thể nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân và hợp tác quốc tế; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và 7 hiệp hội (cà-phê và ca-cao; hồ tiêu; rau quả; bán lẻ; nông nghiệp số; gỗ và lâm sản; nông nghiệp hữu cơ); ký kết biên bản hợp tác giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và các doanh nghiệp về các chuỗi phân phối nông sản; ký kết hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai với các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố…