Hỗ trợ người giỏi chuyên môn trở thành chuyên gia

NDO - Nêu quan điểm khi thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Liên quan đến biên chế, công chức, dự thảo Luật quy định, trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định của dự thảo Luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho thành phố Hà Nội là của cơ quan nào.

Hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị. Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

“Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật”, ông Tùng cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban này đánh giá cao việc đề xuất trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội (Điều 17).

Để bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Hỗ trợ người giỏi chuyên môn trở thành chuyên gia ảnh 1

Quang cảnh phiên họp sáng 20/9. (Ảnh: DUY LINH)

Việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, ông Long cho biết.

Việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII), việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về quản lý và sử dụng đất đai, ông Tùng nêu rõ, việc các nghị quyết của Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân một số địa phương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000ha, trồng lúa dưới 500ha với những trình tự, thủ tục thực hiện khác nhau chỉ phù hợp với tính chất của các nghị quyết thí điểm.

Hơn nữa, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng dự kiến sửa đổi nội dung này nên đề nghị cân nhắc, nếu dự thảo Luật Đất đai được Quốc hội thông qua có nội dung này thì không cần thiết phải quy định lại trong Luật Thủ đô.

Về các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phản ánh, có ý kiến cho rằng, việc giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và Lệ phí (tại khoản 2 Điều 35) là chưa phù hợp với nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Luật Phí và Lệ phí.

Có ý kiến cho rằng, không nên thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các di tích, di sản văn hóa vì những công trình này cần được quản lý, gìn giữ gắn với trách nhiệm của Nhà nước.

Đồng thời, không quy định việc thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) vì bản chất dự án BT là Nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Nhà nước, đổi lại, Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng tài sản công; không áp dụng hình thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết (O&M) trong lĩnh vực văn hóa.

Dự kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.