Điều được nhiều người dân quan tâm nhất trong việc sửa đổi Luật Thủ đô chính là việc mở ra cơ chế tối ưu để huy động được sự tham gia, chung sức của nhiều bên như: nhà quản lý, nhà quy hoạch, chuyên gia, cộng đồng người yêu di sản… vào quá trình tạo nên một đô thị trung tâm hiện đại xứng tầm. Đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư phải thông qua việc tạo ra những tiềm năng kinh tế chung quanh các mô hình chuyển đổi.
Chín nhóm chính sách đặc thù
Dự thảo mới nhất của luật gồm sáu chương, 59 điều (tăng hai chương, 32 điều so Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành); có chín nhóm chính sách mang tính đặc thù, vượt trội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.
Trong đó, chương 2 của dự thảo về tổ chức chính quyền tại Thủ đô đã tập trung quy phạm hóa các giải pháp thuộc chính sách 1 (xây dựng chính quyền Thủ đô tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và chính sách 2 (thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô với các quy định đặc thù về mô hình tổ chức chính quyền; về nhiệm vụ, quyền hạn của các Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, quận, thị xã và Ủy ban nhân dân phường, quy định mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố).
Vấn đề xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô được quy định tại chương 3 với các nhóm chính sách 4, 5, 6, 7, 8; trong khi chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô quy định tại chương 4, quy phạm hóa nhóm chính sách 3. Nhóm chính sách này quy định các cơ chế đặc thù về huy động, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; cho phép thực hiện các hình thức đầu tư khác với quy định hiện hành như: hợp tác công tư (PPP), phương thức xây dựng - chuyển giao (BT), định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư (TOD). Chẳng hạn, mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (tương tự như cơ chế vừa được trao cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98); cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định tổng mức vốn đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, thể thao và văn hóa; cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP lên tối đa 70% trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án…
Điểm mới đáng lưu ý nữa là Hà Nội được thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội theo hai hình thức là hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất; đất; nhà và tài sản gắn liền với đất.
Không chỉ gói gọn trong địa giới hành chính hiện nay, dự thảo Luật cũng đã dành trọn chương 5 để quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; xây dựng Vùng thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Dựa trên cơ sở quy định liên quan Vùng Thủ đô của Luật Thủ đô năm 2012, song dự thảo luật đã "hấp thụ" thêm các quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; trong đó giao thẩm quyền cho thành phố Hà Nội trong chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng; quy định nhiều cơ chế ưu tiên đầu tư phát triển Vùng; mở rộng chức năng và tăng thẩm quyền của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trong công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và xây dựng các cơ chế, chính sách của Vùng.
Phân cấp, giao quyền đi kèm cơ chế tương ứng
Một cách khái quát, quan điểm xuyên suốt tại tất cả các cuộc hội thảo về dự án Luật Thủ đô đều là việc phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho Thủ đô phải đi kèm cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nguyên tắc lập pháp này không chỉ nhằm bảo đảm tính khả thi, mà còn giúp xóa đi tâm lý e ngại, sợ sai của đội ngũ cán bộ công chức các bộ, ngành và nhất là cán bộ thành phố khi triển khai nhiều công việc mới và khó.
Cùng quan điểm, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm chính là nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội cấp bách đối với Thủ đô. Cần thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh và tính toán áp dụng mô hình "thành phố thuộc thành phố". Muốn vậy, điều này phải được nêu rõ trong Luật Thủ đô, cùng với đó là nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật này, vì chắc chắn sẽ có xung đột với pháp luật hiện hành.
Một thí dụ khác cũng rất dễ thấy về tầm quan trọng của cơ chế tài chính là các dự án giao thông theo quy hoạch như hệ thống cầu bắc qua sông Hồng hay 10 tuyến đường sắt đô thị. Nếu không có cơ chế tài chính cho Hà Nội chủ động tìm kiếm nguồn lực và triển khai thực hiện thì rất khó đẩy nhanh được tiến độ.
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những vấn đề "hữu hình" đó, còn rất nhiều vấn đề "vô hình" nhưng không kém phần hóc búa khác mà Luật Thủ đô (sửa đổi) tới đây phải xử lý. Đó là: bảo đảm số lượng, chất lượng nhân lực; giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống. Làm thế nào để thành phố phát triển nhanh, nhưng vẫn bảo tồn được các công trình di sản và bảo đảm di sản đó vẫn "sống" trong dòng chảy thời cuộc.
Mà như thế, có Luật là điều kiện cần, nhưng tất nhiên là chưa đủ.
Bên lề cuộc hội thảo sáng 1/8 về Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, đã giải thích với báo chí về thông tin "quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025".
Theo ông Thành, tiêu chí để sắp xếp địa giới hành chính được nêu rõ tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, đặc biệt là Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Theo đó, ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cần cân nhắc đồng thời các yếu tố đặc thù (chẳng hạn như có địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử…) để quyết định có sáp nhập hay không.
Thông tin được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra về việc quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 mới chỉ dựa vào số liệu rà soát bước đầu, chưa phải phương án cụ thể. "Theo quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể. Khi phương án tổng thể được phê duyệt thì mới tiếp tục làm phương án cụ thể. Hiện nay Hà Nội mới báo cáo về số liệu rà soát", ông Nguyễn Hữu Thành cho biết.