Tại Việt Nam, dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành, nghề, làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề.
Để khắc phục những hậu quả và hướng đến mục tiêu dài hạn, rất cần có những đánh giá chi tiết và thông tin sát thực về ảnh hưởng của dịch bệnh, phân tích các kịch bản diễn biến và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Chương trình cũng là sự kiện tiếp nối trong chuỗi khởi động nghiên cứu “Đánh giá tác động Covid-19 và lập kế hoạch phục hồi ngành nông nghiệp” tại Lào Cai và Sơn La.
Trong năm 2021, chương trình “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) sẽ cùng SNV hỗ trợ hai tỉnh Lào Cai và Sơn La thực hiện đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp địa phương. Qua đó, phân tích các kịch bản và xây dựng kế hoạch phục hồi ngành nông nghiệp tập trung vào các chuỗi giá trị chủ lực củ tỉnh, tạo cơ sở để lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển đổi theo hướng phát triển xanh và bền vững, có khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn với các dịch bệnh trong tương lai. Qua đó, chính quyền địa phương, các tác nhân ngành hàng được chuẩn bị năng lực để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và sau khi kết thúc đại dịch.
Qua hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam, SNV đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các tỉnh Lào Cai và Sơn La với tổng trị giá hơn 10 triệu đô-la, góp phần giảm nghèo cho hơn 300.000 người. Trong đó, hơn một nửa là phụ nữ.
Trong những năm gần đây, SNV Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với nông nghiệp thông minh với khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh của các chuỗi giá trị nông sản. Tiêu biểu, dự án “Gia vị cho sự bình đẳng” hiện đang được thực hiện trong chương trình GREAT hướng đến nâng cao địa vị kinh tế và xã hội cho phụ nữ tỉnh Lào Cai thông qua phát triển hệ thống thị trường quế chất lượng cao, với sự tham gia của phụ nữ gắn với chuỗi giá trị của các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị.
Tại Lào Cai và Sơn La, chương trình GREAT đã và đang hỗ trợ 54 dự án về nông nghiệp và du lịch nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, khuyến khích họ tham gia vào thị trường nông nghiệp và du lịch, tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Với kinh phí tài trợ tương đương khoảng 600 tỷ đồng Việt Nam từ Chính phủ Australia, chương trình GREAT nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án tập trung vào các tỉnh có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống như Sơn La và Lào Cai ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Dự án hợp tác với doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp và du lịch. Đây là những ngành đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng gia tăng đáng kể sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động kinh tế.