Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác thương mại truyền thống, hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường đầy tiềm năng này hiện chiếm tỷ lệ chưa cao.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư nước ngoài tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà đầu tư nước ngoài tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự báo năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và khó lường như áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm, doanh nghiệp khó khăn về vốn, giá xăng dầu và nguyên vật liệu biến động mạnh… gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, kết nối cung cầu với các thị trường tiềm năng dành cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hai thị trường truyền thống và đầy tiềm năng là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền kinh tế lớn, và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường hai nước này hiện chiếm tỷ lệ thấp, lần lượt 2,7% và 3,3%. Ðiều này cho thấy, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội, dư địa mở rộng và tăng trưởng. Ðối với Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 47,2 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), tăng hơn 5% so với năm 2021, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2021. Một trong những lý do góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm qua là doanh nghiệp nỗ lực rất lớn và tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với hai nước này.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc hơn 700 tỷ USD trong năm 2022, đưa nước ta vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam bước vào năm 2023 với kỳ vọng tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng từ thành quả đạt được năm 2022. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng thế giới suy giảm, nhất là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh này, việc khai thác hiệu quả các thị trường còn nhiều dư địa như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Ðỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương), tiềm năng và cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản là rất lớn. Tuy nhiên, những khó khăn mà doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và trong nước đối mặt là các yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường-xã hội của hai thị trường này. Ðể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, ông Ðỗ Quốc Hưng khuyến nghị bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phổ biến thông tin về thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn. Ðối với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thị trường (thuế, hạn ngạch…), tìm hiểu đối tác để hợp tác, kinh doanh: chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, nâng cao kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào… nhằm hưởng ưu đãi.

Ðể nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Choi Kyu-Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh (KOCHAM) cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ðối với chiến lược ngắn hạn, Việt Nam cần ưu tiên bảo đảm khả năng cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc đối với hàng hóa trong nước, tăng cường đóng gói sản phẩm với phương châm sản phẩm trông bắt mắt sẽ bán chạy hơn. Ngoài những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm vốn có, nếu cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Hàn Quốc biết rõ về chất liệu đóng gói, thiết kế, in ấn thì sẽ có ích cho thương mại. Trong chiến lược trung và dài hạn, Việt Nam cần bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ; nuôi dưỡng công nghệ chế tạo, công nghiệp vật liệu, linh kiện. Các tổ chức tài chính cần tăng cường năng lực cạnh tranh, cần có bảo hiểm đối với những tình huống rủi ro mà các nhà xuất khẩu có thể gặp phải. Ông Choi Kyu-Chul mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ các ngành công nghiệp và doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, nhất là tăng cường hơn nữa chính sách bảo vệ và nuôi dưỡng các công ty thương mại và các công ty sản xuất ■