Ho nhiều không dứt, bệnh nhân phát hiện nhiễm 3 loại ký sinh trùng

NDO - Khoảng một năm bị cơn ho hành hạ, cứ tưởng mình bị ung thư nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với 3 loại ký sinh trùng là giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu gai.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Bệnh nhân H.T.H (44 tuổi, Nghệ An) bị ho nhiều và đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Dù đã đi khám và điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhưng tình trạng ho dữ dội của chị H. chưa dứt điểm. "Mỗi đợt ho, tôi có thể ho cả tiếng không dứt, thậm chí không kiểm soát được cả việc đi tiểu lúc ho", chị H. cho hay.

Sợ mang bệnh trọng như ung thư, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Kết quả khám cho thấy phổi của chị Hương không có tổn thương khu trú (u cục). Tuy nhiên, qua kết quả xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ái toan, bác sĩ nghi ngờ chị có nhiễm ký sinh trùng nên giới thiệu chị sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám chuyên sâu.

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay, bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng ho kéo dài hơn một năm, ho không có đờm, không sốt.

Khi tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị dương tính với 3 loại ký sinh trùng là giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu gai. Sau khi điều trị 2 đợt thuốc, tình trạng ho của bệnh nhân đã thuyên giảm. Sau 1 tháng uống thuốc, bệnh nhân đã âm tính với sán lá gan, giun đầu lươn, triệu chứng ho giảm tới 80-90%.

Tuy nhiên, ở tháng thứ 2 sau điều trị, những cơn ho quay lại hành hạ chị H. Trong lần tái khám, chị phát hiện mình mắc thêm bệnh sán lá phổi.

"Mặc dù không phải ung thư, nhưng việc nhiễm tới mấy loại ký sinh trùng tôi rất lo lắng, sụt cân. Không ngờ việc ăn nhiều rau sống, rau thủy canh khiến tôi bị tình trạng bệnh lý như vậy", chị H. chia sẻ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ký sinh trùng rất đa dạng, nhiều loại. Nên có những người không nghĩ mình mắc bệnh vẫn có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ thói quen ăn uống, vật nuôi trong nhà.

Theo bác sĩ Thu Phương, một người có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng một lúc. Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng có thể đến từ ăn uống, lao động không dùng các biện pháp phòng hộ,...

Theo khuyến cáo của Cục An toàn Thực phẩm, để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, nhất là qua thực phẩm, mọi người cần: Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông.