Sáng 25/3, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, vừa thực hiện báo cáo gửi UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả xác minh nguyên nhân khiến cua chết bất thường.
Trước đó không lâu, ngay khi nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng cua chết bất thường tại một số vùng nuôi thủy sản trọng điểm trong tỉnh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục.
Từ chỉ đạo trên, các đơn vị chuyên trách của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau phối hợp Phân viện nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, tiến hành kiểm tra, khảo sát, thu mẫu tại 24 xã thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước và Thới Bình. Ghi nhận của lực lượng chức năng, phần lớn cua nuôi của hộ dân lấy mẫu có màu sắc tối, hoạt động chậm chạp, rủ chân và chết nhanh sau khi thu hoạch.
Qua giải phẫu cho thấy, cua bị đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển màu hồng nhạt… Sau khi phân tích tác nhân gây bệnh, Phân viện nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu xác định: Ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỷ lệ cua nhiễm bệnh là 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua. Bên cạnh đó còn có vi khuẩn V. parahaemolyticus sp là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao > 1000 CFU/ml/(gram), là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.
Nhận định của ngành chức năng Cà Mau, cua nuôi tại địa phương thường được người dân thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.
Trong khi chờ các nghiên cứu khoa học sắp triển khai nhằm có giải pháp đặc trị bệnh trên cua, ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo nhà nông: Cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi; cải tạo lại vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, xử lý bùn đáy vuông để tránh mầm bệnh tồn lưu dưới đáy vuông nuôi. Phơi nắng đầm nuôi từ 3 đến 5 ngày và dùng vôi nóng (CaO) xử lý nước, cải tạo vuông với số lượng vôi 400-500 kg/ha. Đặc biệt, chú trọng xử lý nước trong kênh, mương để xử lý ký sinh trùng, giáp xác, vi khuẩn... diệt mầm bệnh. Ngoài vôi nóng, có thể xử lý các hóa chất khác như: Iodine, chlorine, BKC... để xử lý nguồn nước nuôi.
Đối với những vuông nuôi có rừng, cần thu gom lá cây đước còn tồn đọng ở kênh, mương. Những nơi lấy nước vào vuông nuôi bằng máy bơm cần có túi lọc để loại bỏ ấu trùng giáp xác gây hại cho động vật nuôi. Nếu có điều kiện thì xử lý thì cần diệt mầm bệnh trong nguồn nước và gây màu nước trước khi thả giống.
Cùng với đó, nhà nông cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi; Thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí cho sản xuất; nuôi cua kết hợp nuôi tôm với mật độ vừa phải (tôm từ 1-3 con/m2, cua từ 0,1-0,2 con/m2); Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cho vuông nuôi để tạo điều kiện cho hệ thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho tôm, cua, ổn định môi trường nuôi.
Quá trình nuôi, khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực chung quanh; Thường xuyên theo dõi, quan sát thủy sản nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y địa phương để phối hợp xử lý.