Tìm giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy ngành nông nghiệp bền vững

NDO - Chiều 19/5, trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023, tại tỉnh Hậu Giang diễn ra Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi, thảo luận giữa các diễn giả với đại biểu tại hội thảo
Trao đổi, thảo luận giữa các diễn giả với đại biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của 300 đại biểu là các chuyên, diễn giả, doanh nghiệp, lãnh đạo ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các hợp tác xã, trang trại, nhà vườn tỉnh Hậu Giang.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe hai báo cáo thuyết trình về xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới góc nhìn thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long và nội dung, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm thực hiện chuyển đổi số trong phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia chuyển đổi chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy rừng; giải pháp trong chuyển đổi số; vật lý số - giải pháp đưa nông nghiệp Việt vươn tầm thế giới; giải pháp chuyển đổi số cho các hợp tác xã.

Nhiều đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp cũng được trao đổi, thảo luận tại hội thảo, như: xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành nông nghiệp; hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; ứng dụng GIS - Quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp,…

Các đại biểu cũng chia sẻ sự hữu ích của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP. Bên cạnh là xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm.

Số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP đang là vấn đề cần thiết hiện nay. Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…

Một vấn đề quan trọng mà các đại biểu quan tâm, đó là giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững thì cần xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính, có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, hộ kinh doanh).

Tìm giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy ngành nông nghiệp bền vững ảnh 1

Các doanh nghiệp, HTX tiêu biểu của Hậu Giang ký kết hợp tác với Đặc sản quê hương OCOP247.VN

Theo ông Ngô Minh Long, Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho ngành nông nghiệp các tỉnh, thành nắm rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành; cũng như trong sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao, dần thay thế sức người trong nông nghiệp.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của Hậu Giang đạt được một số kết quả nhất định như: Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống hội nghị trực tuyến và các phần mềm dùng chung đang hoạt động hiệu quả. Trung tâm dữ liệu, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) vận hành ổn định. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn.

Nền tảng ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Ngoài ra, Hậu Giang đang thực hiện việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và tỉnh cũng đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, hiện đã có 4 doanh nghiệp bắt đầu hoạt động và đang đẩy mạnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới.