Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp

Sau hơn một năm triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050", ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn dưa lưới Peace Farm của chị Lê Ngọc Hiền là một trong những điểm check-in khá quen thuộc với du khách tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Vườn dưa lưới Peace Farm của chị Lê Ngọc Hiền là một trong những điểm check-in khá quen thuộc với du khách tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có 38 cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương còn hiệu lực; 89 cơ sở được cấp 104 mã số vùng trồng còn hiệu lực. Các ngành liên quan đã hỗ trợ đưa 192 sản phẩm của nông dân và 72 sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín trong tỉnh… lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất của người dân, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho từng loại sản phẩm nông nghiệp.

Vườn dưa lưới Peace Farm của chị Lê Ngọc Hiền, ngụ khóm Tân Quới Ðông, phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, từ lâu đã nổi tiếng là điểm check-in lý tưởng vào mỗi dịp thu hoạch. Do là điểm đến để mọi người thưởng thức và chụp ảnh lưu niệm, cho nên khu vườn nhà chị Hiền không chỉ trồng dưa lưới mà còn trồng các loại cây trái khác như dưa leo, dưa hấu, cà chua… nhằm điểm tô cho khu vườn thêm nhiều sắc màu.

Chị Hiền chia sẻ: "Trước kia, khi mới lập nghiệp, tôi tận dụng khu đất khoảng 1.000m2 của gia đình để sản xuất. Gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ mới, việc chăm sóc dễ dàng hơn, cho nên tôi đã hợp tác thêm 1.000m2 nữa để sản xuất, kinh doanh. Hiện, khu vườn của chúng tôi đang sử dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) tạo nên một khu vườn thông minh".

Trước đây, khu vườn này chỉ áp dụng tưới nhỏ giọt thì nay vừa tưới tự động theo lập trình chia nhỏ thời gian tưới, đồng thời hoà tan phân bón vào trong nước theo chu kỳ nhất định. Với hệ thống tưới này, chỉ cần một người là có thể quản lý được khoảng 1.000m2 nhà lưới. Ưu điểm của ứng dụng này là tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, ít tốn chi phí, công lao động, tưới tiêu hợp lý, tạo nên độ đồng đều của cây… Tuy nhiên, theo chị Hiền, dù hiện đại đến đâu, sự quan sát thường xuyên của con người vẫn đóng vai trò quan trọng và phải biết ứng dụng công nghệ thế nào cho phù hợp với từng sản phẩm cây trái trong vườn nhà của mình để có lợi nhuận tốt nhất.

Anh Huỳnh Phú Lộc hiện đang quản lý hơn 7.500m2 nhà lưới ở phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, gồm bảy nhà màng (mỗi nhà màng rộng hơn 1.000m2) trồng dưa lưới. Anh Lộc cho biết, mỗi năm, mỗi nhà màng cho thu hoạch bốn đợt, mỗi đợt khoảng 3 tấn sản phẩm. Như vậy, với bảy nhà màng, mỗi năm thu hoạch hơn 80 tấn dưa. Với giá sỉ 40.000 đồng/kg, anh thu hơn 3,2 tỷ đồng, trừ 50% chi phí, lợi nhuận thu về hơn 1,6 tỷ đồng. "Tôi luôn chú ý tìm hiểu công nghệ trên thị trường, công nghệ nào hiện đại sẽ được ứng dụng ngay. Do công nghệ mới này đỡ tốn công chăm sóc và điều hành dễ dàng, cho nên có thể mở rộng thêm diện tích. Tất cả sản phẩm được bán qua mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện, công ty đang xây dựng một nhà màng quy mô lớn với 4ha trồng dưa lưới. Chúng tôi cũng đang cho nhập về hệ thống tự động hiện đại hơn. Nếu một bộ máy cũ chỉ sử dụng cho khoảng 1.000m2 thì nay, một bộ máy sẽ điều hành cho nhà màng với diện tích 4ha", anh Lộc chia sẻ…

Theo Phòng Kinh tế thành phố Vĩnh Long, thời gian qua, các mô hình được triển khai có hiệu quả và được nhân rộng là: Trồng rau các loại, dưa lưới, cà chua bi trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất nấm; trồng rau thủy canh; nuôi ếch; nuôi lươn không bùn; nuôi bồ câu sinh sản theo hướng an toàn sinh học,... Bước đầu, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt hiệu quả tốt, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị. Ðây chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất canh tác đô thị trong thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp ảnh 1

Nhà màng quy mô lớn của anh Huỳnh Phú Lộc ở phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Năm 2021, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Long đạt 350 triệu đồng/ha/năm, đã vượt chỉ tiêu 280 triệu đồng/ha/năm trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cây ăn trái đang là hướng chuyển dịch mạnh trong nội bộ lĩnh vực trồng trọt ở Vĩnh Long. Người dân chuyển dần các diện tích sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðến cuối năm 2022, diện tích cây ăn trái của Vĩnh Long là 57.179ha, tăng 7.373ha so với năm 2020 (tăng gần 15%), trong đó tăng mạnh nhất là diện tích trồng cam sành, sầu riêng… Có được kết quả nêu trên là nhờ ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai các mô hình khuyến nông có hiệu quả nhằm hướng dẫn, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến để người dân có cơ sở áp dụng, nhân rộng. Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai các dự án khuyến nông tập trung cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Việc xây dựng các cơ sở đạt chuẩn GAP và tương đương cũng như việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được ngành nông nghiệp Vĩnh Long quan tâm nhằm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh được tiêu thụ tốt ở trong nước và nước ngoài. Ngành nông nghiệp tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục khẩn trương phối hợp các ngành, địa phương và người dân thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng, bảo đảm cho các nông sản chủ lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Trương Thành Dãnh cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây, nhất là từ thời điểm dịch Covid-19 năm 2021. Ðến nay, nhiều hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được ứng dụng hiệu quả. Trong năm 2022, các ngành chức năng và người dân đã chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện kết nối và đăng tải thông tin trên sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long (https://www.nsvl.com.vn) hỗ trợ 192 sản phẩm nông dân lên sàn và 72 sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín, thu hút hơn 14 triệu lượt người (mỗi tháng thu hút hơn 196.000 lượt người truy cập, tương tác). Tỉnh hỗ trợ xây dựng 25 website cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, bốn lớp đào tạo kỹ năng cho các cơ sở, doanh nghiệp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu thương mại điện tử với 887 lượt tham dự; xây dựng chuyên mục "Chuyển đổi số của tỉnh" trên Ðài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long và Báo Vĩnh Long, trong đó tập trung các tin bài liên quan đến thương mại điện tử.

Về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HÐND, ngày 14/12/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh với bảy chính sách trọng tâm. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất, hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Nhóm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ để góp phần tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị nông sản, phục vụ xuất khẩu...