Hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Định

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phát huy hiệu quả. Việc này không chỉ góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh mà còn nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, phục vụ nhu cầu trong nước và chế biến xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế ngao sạch xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
Sơ chế ngao sạch xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Nhiều mô hình nổi bật

Hình thành từ năm 2017, Công ty TNHH Thủy Sản Lenger Việt Nam (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định) là công ty 100% vốn nước ngoài (Hà Lan) được trang bị các dây chuyền công nghệ hiện đại để làm sạch và chế biến các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cụ thể là con ngao. Toàn bộ nguyên liệu được thu hoạch từ vùng Giao Thủy, Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định và Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Công ty đạt sản lượng ngao chế biến và tiêu thụ hơn 15.000 tấn/năm, tăng trưởng bình quân từ 10-15 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy Sản Lenger Việt Nam cho biết, để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu, công ty đã đẩy mạnh liên kết với người nuôi ngao, hình thành 500ha “Vùng nuôi liên kết Lerger Farm” với hàng trăm hộ dân ở Xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng. Nhờ bảo đảm tiêu chuẩn cao, thống nhất từ con giống đến kỹ thuật nuôi trồng, vùng nuôi liên kết của công ty đã đạt chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới, cho thương hiệu ngao Meretrix Lyrata.

Từ khi đi vào sản xuất, chất lượng và giá trị ngao của Công ty TNHH Thủy Sản Lenger Việt Nam không ngừng được nâng cao. Hiện tại, công ty đã có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm ngao tươi sống, thịt ngao luộc chín bảo quản mát, thịt ngao đóng hộp và ngao sốt bơ tỏi. Trong đó, sản phẩm thịt ngao đóng hộp đang được xét công nhận tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Cuối năm 2021, công ty đã tổ chức lễ xuất hành cho container thịt ngao đóng hộp đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu. Đây là sự kiện đánh dấu việc doanh nghiệp trong nước đã kiểm soát được vùng nuôi, nguồn nguyên liệu, có quy trình sản xuất, chế biến hiện đại đủ đáp ứng một thị trường “khó tính” như châu Âu.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay ở các địa phương trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, việc liên kết sản xuất theo chuỗi với người nuôi ngao không chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm, mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập do giá thu mua cao hơn nhiều so thương lái, đồng thời yên tâm với “đầu ra” ổn định. Dự kiến, Công ty TNHH Thủy Sản Lenger Việt Nam sẽ tiếp tục hình thành các vùng liên kết mới gồm 500ha tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và một số hợp tác xã của tỉnh Trà Vinh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 39 chuỗi liên kết; trong đó có 11 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi chăn nuôi, 15 chuỗi thủy sản và 3 chuỗi diêm nghiệp. Trong số các chuỗi, có 7 chuỗi do các hợp tác xã, chủ trang trại làm chủ, 32 chuỗi do doanh nghiệp làm chủ. Có nhiều chuỗi liên kết đã được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, áp dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh chuỗi liên kết nuôi, thu mua, chế biến tiêu thụ ngao sạch Lenger, Nam Định còn nhiều mô hình nổi bật, đạt hiệu quả kinh tế cao như chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao Toản Xuân; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản sấy Minh Dương; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ thịt lợn Công Danh; chuỗi liên kết gạo sạch Quỳnh Thanh…

Còn nhiều dư địa phát triển

Hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Định ảnh 1

Nhiều sản phẩm từ các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp của Nam Định được nâng cao chất lượng, giá trị, trở thành các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 112.000ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 90.000ha đất phù sa màu mỡ và hơn 17.000ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Nam Định tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển mạnh sang cây có giá trị kinh tế cao, hạn chế sâu bệnh. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt gần 1 triệu tấn, rau màu 360.000 tấn. Chăn nuôi giảm mạnh từ quy mô nhỏ lẻ tận dụng trong nông hộ sang quy mô tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh hằng năm tăng nhanh, bình quân đạt hơn 186.000 tấn/năm. Sản lượng thủy sản đạt hơn 180.000 tấn/năm. Sản xuất muối theo hướng sản xuất muối sạch, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, sản lượng muối sản xuất, chế biến và tiêu thụ đạt hơn 100.000 tấn/năm. Kinh tế hợp tác xã có bước phát triển tích cực, với việc thành lập nhiều hợp tác xã chuyên ngành mới tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm nông, thủy sản dồi dào không chỉ bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp chế biến phát triển, đặc biệt là việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Các chuỗi liên kết được xây dựng ở những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, có nhiều tiềm năng phát triển, nhân rộng với sự tham gia tích cực của “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò hạt nhân.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ chuỗi sẽ lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Các đối tác tham gia trong chuỗi thực hiện đúng hợp đồng liên kết và sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan Nhà nước có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi; đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất; giám sát bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác.

Việc xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ở Nam Định còn gặp nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ở Nam Định còn gặp nhiều hạn chế. Nguồn lực dành cho xây dựng các chuỗi rất thiếu, tốc độ phát triển chưa tương xứng tiềm năng; các chuỗi đã hình thành đều ở quy mô trung bình và nhỏ; chưa xây dựng được nhiều mô hình tích tụ ruộng đất liên kết các vùng sản xuất, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản; các chuỗi liên kết ngang giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến cùng ngành hàng còn ít.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn chưa có chính sách đồng bộ, chính sách riêng khuyến khích phát triển chuỗi giá trị. Hoạt động sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, tính tổ chức, liên kết giữa các vùng sản xuất còn hạn chế, chưa có nhiều dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. Việc tích tụ, tập trung đất đai vẫn còn nhiều trở ngại do người dân vẫn còn tâm lý “giữ đất”, e ngại xảy ra những biến động trong việc cho thuê quyền sử dụng đất.

Như vậy, dư địa để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ở Nam Định còn rất lớn. Việc đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đẩy mạnh phát triển các mô hình này là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông sản, đồng thời cải thiện đời sống, thu nhập cho bà con nông dân.