Nam Định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp ở Nam Định diễn ra sôi động chưa từng có. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng cung ứng cho thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định làm việc với chuyên gia nước ngoài về đào tạo nghề chế biến, bảo quản thực phẩm nông sản.
Lãnh đạo Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định làm việc với chuyên gia nước ngoài về đào tạo nghề chế biến, bảo quản thực phẩm nông sản.

Chủ động kết nối nhà trường-doanh nghiệp

Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Nam Định diễn ra hết sức sôi động, có trọng tâm, trọng điểm và đạt những kết quả rất tích cực. Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án (gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 14 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng và 233 triệu USD.

Chỉ trong ít tháng gần đây, Nam Định đã ký kết thỏa thuận phát triển hàng loạt dự án FDI lớn, với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được giữ ổn định, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là ngành dệt may vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Dự báo những năm tới, lượng lao động cần tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của Nam Định lên đến vài chục nghìn người; riêng năm 2023 đã khoảng 6.000 người.

Làn sóng đầu tư sôi động vào địa phương tạo cơ hội thiết thực cho các cơ sở đào tạo nghề. Thí dụ như Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định đã kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp với quy mô đào tạo hằng năm khoảng 5.000-6.000 học sinh, sinh viên với 15 ngành trình độ cao đẳng, 33 ngành trình độ trung cấp và 35 ngành trình độ sơ cấp tại bảy lĩnh vực.

Thầy Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lãnh đạo nhà trường đã chủ động kết nối, sẵn sàng ký hợp đồng cung ứng lao động cho các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Quanta (Đài Loan, Trung Quốc), nhà đầu tư dự án sản xuất máy tính có tổng vốn 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ở các ngành đang có xu hướng tuyển dụng cao như công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử, may mặc..., nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để luôn nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp.

Không chỉ thế, nhà trường còn liên tục đưa các giảng viên và sinh viên đến tham gia quy trình sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp; chủ động tìm hiểu công việc, máy móc hiện đang được các công ty sử dụng để nâng cao kỹ năng, tay nghề cho sinh viên. Riêng năm 2023, Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định đã đưa hơn 800 học sinh, sinh viên đi thực tập tại các cơ sở sản xuất, được các doanh nghiệp hỗ trợ hơn ba tỷ đồng chi phí thực tập cho các em.

Theo thầy Đinh Văn Hoản, mục tiêu quan trọng nhất với nhà trường là tạo đầu ra ổn định về việc làm cho học sinh, sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo để khi nhận việc, các em có thể làm tốt ngay mà không cần đào tạo lại. Hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường đạt đến hơn 90%, một số ngành đạt 100%. Đã có nhiều doanh nghiệp lớn tại Nam Định đặt hàng nhà trường số lượng hàng nghìn lao động, trong đó có các doanh nghiệp FDI và Tập đoàn Xuân Thiện, nhà đầu tư tổ hợp dự án thép xanh có tổng vốn gần 100.000 tỷ đồng ở huyện Nghĩa Hưng.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định) Trần Thái Tuệ cho biết: Hiện cả tỉnh có 33 cơ sở đào tạo lao động (gồm sáu trường cao đẳng, năm trường trung cấp, 15 trung tâm và bảy cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp) với mạng lưới trải khắp 10 huyện, thành phố. Hoạt động đào tạo nghề đã và đang từng bước hướng vào phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng.

Các ngành nghề đào tạo ngày càng được mở rộng theo nhu cầu xã hội và được chú trọng nâng cao về chất lượng. Theo thống kê, hiện Nam Định đang thực hiện đào tạo hơn 120 ngành nghề ở cả ba cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, với tổng quy mô đào tạo 35.200 người/năm (tăng gần 2.000 người/năm so với năm 2017), trong đó tỷ lệ đào tạo lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp khoảng 40%.

Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đều tiến hành khảo sát lao động có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh; kết quả bình quân có hơn 12.000 người/năm có nhu cầu học nghề; số người bước vào độ tuổi lao động của cả tỉnh mỗi năm từ 8.000-10.000 người. Như vậy, với quy mô đào tạo theo thiết kế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh là 35.200 người/năm, Nam Định bảo đảm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, cũng như hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển về công nghiệp thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thái Tuệ, hoạt động đào tạo nghề tại Nam Định vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp (đạt 48%), kỹ năng, tay nghề và tác phong lao động công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao; hiện tượng “nhảy việc” của người lao động còn diễn ra khá phổ biến.

Dù là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn ngành nghề thế mạnh để đầu tư ngành nghề trọng điểm, tuy nhiên đến nay, tại Nam Định, nhiều ngành nghề chưa được đầu tư hoặc đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở lạc hậu so thực tiễn sản xuất, nhất là với khối ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự được quan tâm đúng mức; chế độ đãi ngộ thấp bình quân chỉ năm đến sáu triệu đồng/người/tháng.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động phục vụ phát triển các lĩnh vực, thời gian tới, Nam Định tiếp tục rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo định hướng phát triển ngành nghề phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, mở rộng hình thức đào tạo theo hợp đồng với doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh chủ trương tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường xã hội hóa đối với công tác đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở đào tạo; thông tin rộng rãi về nguồn cung lao động và kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ để đưa lao động vào tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.