Hiệu quả hỗ trợ sản xuất ở vùng cao Bắc Kạn

NDO-Bằng nhiều cơ chế, chính sách, khắc phục từng bước những khó khăn, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã tăng nhanh, cách thức sản xuất đã hình thành vùng chuyên canh gắn với chuỗi giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Bắc Kạn tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các hợp tác xã. (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Đại Hà, huyện Bạch Thông thu hoạch dưa trồng trong nhà lưới). (Ảnh: HƯƠNG DỊU).
Bắc Kạn tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các hợp tác xã. (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Đại Hà, huyện Bạch Thông thu hoạch dưa trồng trong nhà lưới). (Ảnh: HƯƠNG DỊU).

Bắc Kạn đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ để bảo đảm thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất nông, lâm nghiệp.

Thay đổi tư duy

Mục tiêu lâu dài trong chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Bắc Kạn là tạo động lực, hỗ trợ để nông dân khởi nghiệp, thực hiện các mô hình, từ đó thay đổi cách thức, tư duy sản xuất theo kịp xu hướng chung. Từ chỗ sản xuất manh mún, nông dân Bắc Kạn đã tiến lên sản xuất tập trung và giờ đã bước vào sản xuất hữu cơ.

Năm 2020, Ban thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ-CSSP (trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Bắc Kạn) lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã Hợp Phát, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn thực hiện mô hình trồng dẻ ván hữu cơ.

Được hướng dẫn, Hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống cây chuyển đổi gen. Mỗi cơ sở sản xuất có mã số nông hộ. Người dân thường xuyên ghi chép các hoạt động sản xuất, nguyên liệu sử dụng để truy xuất được nguồn gốc; thiết lập vùng đệm nhằm tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào khu sản xuất.

Hiệu quả hỗ trợ sản xuất ở vùng cao Bắc Kạn ảnh 1

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo chuyển biến trong kinh tế tập thể ở Bắc Kạn. (Trong ảnh: Sản xuất miến dong tráng tay thủ công tại Hợp tác xã Yến Dương, Ba Bể). (Ảnh: HƯƠNG DỊU)

Quy trình sản xuất hữu cơ đã tạo ra sản phẩm sạch cho hợp tác xã. Với kích thước hạt lớn, trung bình mỗi kilogram hạt dẻ hữu cơ chỉ khoảng 40 hạt. Chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng, cho nên giá bán đạt từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Hợp tác xã Hợp Phát đã có 5,35ha dẻ ván đạt chứng nhận hữu cơ, không chỉ cho thu hoạch hạt mà còn đang mở ra hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bàn Thị Ngân, đơn vị vận động các thành viên duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, diện tích của thành viên khác cũng chuyển sang sản xuất hữu cơ. Hợp tác xã phấn đấu xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hạt dẻ trên địa bàn huyện Ngân Sơn với quy mô 18ha cây dẻ để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa ổn định.

Chia sẻ về vấn đề thay đổi tư duy của nông dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho biết, mô hình trồng dẻ ván theo hướng hữu cơ tại Ngân Sơn đã thay đổi toàn bộ phương thức canh tác. Người dân làm chủ được khoa học kỹ thuật, từ đó chiết, ghép tạo ra giống cho thu hoạch sớm, hạt dẻ to mẩy.

Khi có nhiều ý kiến cho rằng, hạt dẻ ngon phải là loại giống trồng bằng hạt, hạt nhỏ hơn… thì chính những nông dân tại đây đã phát biểu rằng: Cần phải thay đổi tư duy sản xuất vì hạt dẻ giống mới có kích cỡ to hơn, đẹp hơn, ngon hơn chính là điều mà thị trường đang đòi hỏi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, nguồn lực chính để hỗ trợ phát triển sản xuất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, Bắc Kạn đã triển khai 162 danh mục dự án phát triển sản xuất. Tổng vốn hỗ trợ dành cho các dự án là hơn 93 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 66 dự án với tổng mức hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 24 dự án với tổng vốn hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng. Được hỗ trợ, người dân từng bước chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung từng bước hình thành.

Hiệu quả hỗ trợ sản xuất ở vùng cao Bắc Kạn ảnh 2

Sản xuất miến dong tráng tay thủ công tại Hợp tác xã Yến Dương, Ba Bể. (Ảnh: HƯƠNG DỊU)

Sau khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể thì thu nhập của thành viên Hợp tác xã tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Tỉnh có hơn 1.116 hộ có thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên; 2.200 nông dân thành lập trang trại, nhiều hộ thu nhập 20 tỷ đồng/năm; hình thành 40 tổ, nhóm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Đặc biệt, diện tích liên kết tiêu thụ đã tăng dần từ 10.000ha năm 2018 lên gần 50 nghìn ha vào năm 2023.

Tháo gỡ bất cập

Hỗ trợ phát triển sản xuất được coi là nội dung quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn. Từ năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo ra đổi thay trong sản xuất của Bắc Kạn. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp bình quân đạt 3,7%, tăng 27% so với giai đoạn 2016-2020; tổng diện tích trồng rừng bình quân đạt 4.254ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 73,35%.

Hiệu quả hỗ trợ sản xuất ở vùng cao Bắc Kạn ảnh 3

Mô hình trồng dẻ ván theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Hợp Phát, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn là điển hình về thay đổi tư duy sản xuất khi được hỗ trợ. (Ảnh: LƯU HUỆ).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương, mặc dù nguồn vốn đã được phân bổ, song tiến độ triển khai chậm. Việc triển khai chậm do các quy định về đối tượng được hỗ trợ tại một số văn bản Trung ương không rõ ràng, dẫn đến các cấp, ngành địa phương khá lúng túng khi triển khai. Có dự án liên kết tổ chức đấu thầu dự án nhưng không có đơn vị tham gia bỏ thầu…

Trước những khó khăn, bất cập này, trong tháng 8/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã kịp thời thông qua và ban hành Nghị quyết về Sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, các trình tự, thủ tục khi thực hiện các dự án phát triển sản xuất đã được quy định cụ thể, chi tiết, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức, thực hiện, giúp chủ đầu tư, chủ trì liên kết thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho biết, tỉnh sẽ sơ kết hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Những bài học kinh nghiệm từ hơn hai năm thực hiện vừa qua sẽ được đánh giá thấu đáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở đánh giá của Tỉnh ủy, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả bền vững hơn nữa trong thời gian tới.