Hiện thực hóa chương trình hợp tác Ireland-Việt Nam về nông nghiệp, thực phẩm bền vững

NDO - Đại sứ quán Ireland và Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI) sẽ trao ba suất học bổng với tổng trị giá 2,2 tỷ đồng cho các ứng viên trúng tuyển để theo học chương trình thạc sĩ về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật nông nghiệp, nông nghiệp bền vững và thực hành phát triển quốc tế tại Đại học Galway (Ireland).
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình học bổng IVAP sẽ thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Ireland trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm bền vững.
Chương trình học bổng IVAP sẽ thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Ireland trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm bền vững.

Trên cơ sở hợp tác lâu dài giữa Ireland và Việt Nam, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã tài trợ Chương trình hợp tác Ireland-Việt Nam trong nông nghiệp và thực phẩm giai đoạn 2023-2028 (IVAP) do SFSI trực tiếp quản lý.

Chương trình này sẽ hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đặt ra trong biên bản ghi nhớ được ký vào tháng 3/2023 giữa Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland (DAFM) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống thực phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kiến thức, đào tạo và phát triển kỹ năng về các chủ đề bao gồm: sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đổi mới chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Đại học Galway và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cũng đã thành lập Biên bản ghi nhớ của Liên minh Giáo dục và nghiên cứu về các hệ thống thực phẩm và nông nghiệp thích ứng với khí hậu nhằm tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai trường đại học.

Phát biểu tại lễ ra mắt chương trình học bổng IVAP tại Hà Nội, giáo sư Charles Spillane, Giám đốc Viện Ryan (Đại học Galway) cho biết: “Một số hợp tác nghiên cứu đã được thiết lập giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Ireland được tài trợ bởi chương trình trao đổi song phương Ireland-Việt Nam và Hội đồng nghiên cứu Ireland (thuộc Bộ Ngoại giao Ireland) thông qua chương trình nghiên cứu COALESCE. Học bổng trên sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác liên kết và tạo cơ hội cho sinh viên, giảng viên của học viện tham gia vào các chương trình thạc sĩ danh tiếng của chúng tôi. Đồng thời, thực hiện các dự án nghiên cứu cấp thạc sĩ về các chủ đề góp phần tăng cường hợp tác Việt Nam-Ireland trong lĩnh vực chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững”.

Ông Conor Finn, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam cho biết: “Mục đích của chương trình học bổng là góp phần đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai, phát triển năng lực trong nước nhằm thực hiện hóa kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về chuyển đổi hệ thống thực phẩm hướng tới trách nhiệm minh bạch và bền vững cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Khi trở về nước, sinh viên tốt nghiệp sẽ vận dụng những kỹ năng đã học để góp phần xây dựng năng lực của Việt Nam. Không chỉ thế, học bổng IVAP còn thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Ireland trong các lĩnh vực ưu tiên này”.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ireland và SFSI, cũng như Chương trình học bổng IVAP, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc VNUA chia sẻ, Ireland là một đất nước giàu bản sắc văn hóa và nghệ thuật, đồng thời là quê hương của nhiều trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất châu Âu. Ireland đi đầu trong việc phát triển các hệ thống nông nghiệp, thực phẩm bền vững và có giá trị cao trên toàn cầu. Vì thế, bà mong muốn tăng cường hợp tác giữa VNUA và Đại học Galway.

Ngày 23/1/2023, Đại sứ quán Ireland và SFSI đã thông báo chính thức mở cổng nộp hồ sơ cho Chương trình học bổng IVAP tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bà Lan cho rằng, Chương trình học bổng lần này sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời cho sinh viên, giảng viên và cán bộ trẻ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để phát triển kiến thức và năng lực. Đồng thời, là điểm nhấn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ireland nhằm phát triển ngành nông nghiệp, thực phẩm bền vững của Việt Nam.