Bài 1: Khát vọng an cư
Nếu như toàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần 23.000 nhà ở ven và trên kênh, rạch thì Quận 8 chiếm đến 12.389 căn, quận Bình Thạnh hơn 3.000 căn. Đây là những căn nhà nhỏ, lụp xụp, xây tự phát ven hoặc trên kênh, rạch, không đồng hồ nước, không nhà vệ sinh nhưng đang là nơi che mưa, trú nắng của cả trăm nghìn nhân khẩu.
Làm sao để di dời, ổn định chỗ ở an toàn cho người dân, từ đó cải tạo môi trường, chỉnh trang lại đô thị đang là bài toán khó, cần lời giải của chính quyền các Quận 8, Bình Thạnh suốt nhiều nhiệm kỳ qua.
Bốn thế hệ sống… trên kênh rạch
Đỡ người mẹ già lọm khọm đã 82 tuổi từ phòng ngủ ra phòng khách, bà Thái Thị Thanh Thu (ngụ số 56 Nguyễn Xuân Ôn, Phường 2, quận Bình Thạnh) lắc đầu: “Buổi trưa thường mẹ tôi không sao ngủ được vì mùi hôi dưới kênh bốc lên nồng nặc nên tôi hay cho cụ ra đây để bớt ngột ngạt. Bên dưới sàn nhà chuột bọ cũng sục sạo thường xuyên…”.
Trong căn nhà tạm gọi “một trệt một lầu” mà 2/3 diện tích nằm lọt thỏm trên mặt kênh, tám thành viên nhà bà Thu sinh sống ở đây tròm trèm 50 năm. Trong đó, mẹ bà Thu là người ở lâu nhất; bà mua lại căn nhà lợp tôn sàn gỗ rồi sửa chữa lại từ năm 1973, bà Thu lúc đó chỉ 10 tuổi, bây giờ đã 62 tuổi. Lần lượt gia đình đông hơn với con, rồi cháu của bà Thu cùng ở một nhà, tính đến nay đã là bốn đời.
Ông An, em trai bà Thu cho hay: "Thời điểm nhà tôi dọn về đây, con kênh Thị Nghè phía sau nhà còn nhìn thấy ghe chạy, không phải là mầu nước đen quánh như bây giờ. Nhiều năm nay, rác ngập ngụa cao ngấp nghé cửa sổ của căn bếp, ô nhiễm trầm trọng, trẻ nhỏ và người già ở đây thường xuyên bị bệnh đường hô hấp".
Cạnh đó, căn nhà hoàn toàn lắp ghép bằng tôn, sàn bằng ván của bà Phượng, nằm sát mé rạch nhìn chơi vơi như dễ dàng đổ sập vì bên dưới được chống bằng cừ. Bà Phượng cho biết: Ban ngày nhà gần như đóng cửa kín mít, chỉ mở vào ban đêm để hạn chế mùi hôi dưới rạch sộc vào.
Vừa qua, bà Phượng cũng như nhiều hộ dân ở đây được cán bộ UBND Phường 2 phát phiếu khảo sát về nhu cầu tái định cư thuộc Dự án cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm. Họ khấp khởi mừng, hy vọng nhưng với tâm thế không quá kỳ vọng, bởi, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được thành phố lên kế hoạch chỉnh trang gần 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. 400 hộ dân nhà ven, trên kênh tại Phường 2 vẫn tiếp tục chờ… trong tình trạng tuyến kênh ngày càng ô nhiễm nặng.
Tương tự, ghi nhận trên địa bàn Quận 8, một trong những địa phương có nhà nằm trên kênh, rạch nhiều nhất thành phố với hàng nghìn căn nhà nằm dọc theo hai bờ Kênh Đôi, kéo dài từ cầu chữ Y đến cầu Nguyễn Tri Phương.
Đi sâu vào một con hẻm ngoằn ngoèo của đường Phạm Thế Hiển thuộc khu vực Phường 4, chúng tôi thấy hàng chục căn nhà được đánh số nhà bằng “lô” nằm ngay trên mặt kênh, nhà này cách nhà kia chỉ là tấm tôn. Có nhà cơi nới thêm tầng bằng lớp la-phông mỏng nhìn như hai cái “hộp” chồng lên nhau. Bà Nguyễn Thị Hồng (nhà số 30, lô 10, Phường 4) đang dùng chiếc áo mưa che tạm phần tôn bị mục bên trong vách tường căn nhà khoảng 10m2, thở dài: “Nhà tôi ở đây đã 30 năm rồi nên ngày càng xuống cấp, gỉ sét nhưng chỉ dám vá víu để ở qua ngày.
Hễ trời mưa là mái nhà dột, ướt hết đồ đạc. Phường chỉ cho chống dột, sửa chữa lặt vặt vì nhà nằm trên kênh, rạch không được xây dựng gì cả”. Cũng giống như nhà bà Hồng, nước thải từ tắm giặt, nấu nướng, hệ thống vệ sinh của các hộ dân đều “đẩy” thẳng xuống kênh. Hầu hết, nhà ở đây đều lợp tôn, vách tường, sàn ván ép, nhìn rất ọp ẹp, hầu hết các căn nhà rộng từ 10 đến 20m2. Các hộ dân ở đây cho biết, tháng 5/2021 đã có hai căn nhà ở khu vực này bất ngờ bị nghiêng và đổ sập xuống kênh làm mọi người hết sức lo lắng...
Chỉ mong có chỗ ở tốt hơn
Sớm được nâng cấp hoặc cải thiện về nơi ở và nếu thực hiện chỉnh trang đô thị thì chính quyền cần bố trí nơi ở mới phù hợp cho người dân, đó là mong mỏi của nhiều hộ dân đang sống trên kênh, rạch với điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không bảo đảm quy chuẩn về nhà ở cũng như vệ sinh môi trường đô thị.
Ông Lữ Thừa Đức, ngụ khu phố 1, Phường 2, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Không có điều kiện về kinh tế nên gia đình tôi phải bám trụ ở căn nhà ọp ẹp như vầy. Chúng tôi thuộc diện phải di dời giải tỏa nên cuộc sống bấp bênh, không ổn định, nhất là sinh sống ở nơi bị ô nhiễm.
Vì vậy, người dân địa phương chỉ mong muốn duy nhất là thành phố sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm để người dân có chỗ ở mới tốt hơn, khang trang hơn”.
Ước muốn được lên bờ, được an cư lạc nghiệp của những người như ông Đức, bà Thu, bà Hồng cũng là trăn trở của lãnh đạo Quận 8, quận Bình Thạnh. Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND Quận 8, trong giai đoạn 2015-2020, quận triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn quận bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách.
Trong đó, hai dự án sử dụng vốn ngân sách là: bờ bắc kênh Đôi; Rạch Nhảy-Ruột Ngựa và chỉnh trang bảy tuyến kênh rạch. Dự án bờ nam kênh Đôi sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ.
Cụ thể, tại dự án bờ bắc kênh Đôi đã được ghi vốn (khoảng 500 tỷ đồng), đã điều tra xã hội học, đã gửi thông báo thu hồi đến 1.017/1.017 hộ dân nhưng do điều chỉnh tăng quy mô diện tích đất dự kiến thu hồi nên tổng nguồn vốn đầu tư đã tăng lên hơn 2.232 tỷ đồng. Với dự án bờ nam kênh Đôi, ông Tùng cho biết, sẽ được thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách, tuy nhiên, hiện dự án đang gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 2015 đến nay, UBND Quận 8 đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức mời gọi nhà đầu tư và thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Song, đây là dự án có quy mô lớn, khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều nhưng các chỉ tiêu quy hoạch chưa thu hút doanh nghiệp, cho nên đến nay chưa tìm được nhà đầu tư cho dự án.
Ông Lưu Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND Phường 2, quận Bình Thạnh cho biết: Qua khảo sát Phường 2 có 386 hộ dân nằm trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Phần lớn số hộ này đều ở và sinh sống từ 30 năm trở lên, hiện trạng hầu hết là nhà tạm, khu vực kênh, rạch rất ô nhiễm và không bảo đảm điều kiện sống. Vì vậy, mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là thành phố sớm cải tạo, chỉnh trang rạch Xuyên Tâm để cải thiện điều kiện nhà ở cũng như bộ mặt đô thị của quận Bình Thạnh.
(Còn nữa)