Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định AI là một xu hướng công nghệ quan trọng và đã khởi xướng nhiều chương trình thí điểm để tích hợp AI vào quản lý giáo dục và giảng dạy.
Việc tích hợp AI vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo mang đến những cơ hội chưa từng có để cá nhân hóa việc học, tối ưu hóa các quy trình hành chính và nâng cao kết quả giáo dục.
Nắm bắt cơ hội
Trên toàn cầu, các tổ chức giáo dục ngày càng áp dụng nhiều hơn các công nghệ AI để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy và học tập. Các ứng dụng AI trong giáo dục bao gồm từ các hệ thống gia sư thông minh và nền tảng học tập thích ứng đến hỗ trợ hành chính và phân tích dự đoán.
Trong những năm gần đây, các mô hình AI tiên tiến như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google… đã chứng minh được khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hiểu và tạo ra văn bản giống con người. Những công nghệ này hứa hẹn góp phần đáng kể cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý giáo dục, bao gồm chấm điểm tự động, phản hồi được cá nhân hóa và trợ lý ảo.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, là trung tâm giáo dục lớn, đi đầu trong đổi mới giáo dục của đất nước. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quản lý một mạng lưới các trường học với tổng quy mô hơn 1,7 triệu học sinh, khiến việc triển khai giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trở nên cấp thiết.
Nhận ra tiềm năng của AI trong việc giải quyết các thách thức về giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đặt mục tiêu triển khai các giải pháp AI trên toàn bộ lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu, đặc biệt là trong việc triển khai các giải pháp ChatBot cho các thủ tục hành chính, đã gặp phải những thách thức đáng kể. Những thách thức này bao gồm các hạn chế về cơ sở hạ tầng, các ràng buộc về chính sách trong việc mua phần cứng cần thiết và các cân nhắc về tài chính khi sử dụng các dịch vụ AI.
Bất chấp những trở ngại này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xác định được cơ hội để tận dụng các tài sản dữ liệu đang có sẵn, được đồng bộ hóa về định danh trên nhiều hệ thống quản lý học tập (LMS). Bên cạnh đó, dữ liệu hành vi được thu thập qua các đợt khảo sát năng lực trên diện rộng đã cung cấp lượng dữ liệu đủ lớn để thử nghiệm các mô hình AI phù hợp với bối cảnh giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh.
Những nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo phù hợp với các mục tiêu giáo dục rộng hơn, bao gồm cải thiện kết quả của học sinh, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và sử dụng việc ra quyết định dựa trên dữ liệu để nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng cách tập trung vào các giải pháp AI tận dụng nguồn lực hiện có, sở có thể giải quyết các thách thức về hạ tầng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.
Giải pháp và sáng kiến
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các giải pháp AI thí điểm của sở là những bước tiến đáng kể hướng tới việc tích hợp AI vào lĩnh vực giáo dục. Việc mở rộng tích hợp dữ liệu trên nhiều nền tảng, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác là rất quan trọng trong việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của AI trong giáo dục.
Các sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo đặt nền tảng cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục, với những tác động đến các chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở diện rộng.
Đánh giá cao Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tiên phong, tiếp cận các công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trước đây, có ý kiến cho rằng AI sẽ thay thế con người nên có người có cảm giác sợ công nghệ, nhưng bây giờ AI là một công cụ hữu hiệu phục vụ việc học, còn dùng thế nào là mỗi người quyết định.
AI hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động giáo dục, nhưng AI cũng đem lại những thách thức. Nếu quá lạm dụng AI trong hoạt động giáo dục, học sinh giảm sự tương tác, mất đi tư duy độc lập. Chỉ khi nhận rõ được những thách thức thì sẽ có giải pháp để vận dụng AI hiệu quả và đúng hướng.
Các chuyên gia cho rằng, AI là công cụ, là một cấu phần trong cuộc sống hiện nay. Do đó, học sinh và giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. AI không thể thay thế giáo viên, khi giáo viên ứng dụng AI vào công việc thì AI là công cụ để chuyển đổi số giáo dục.
Giáo viên có thể sử dụng AI để tạo ra các chương trình học tập thích ứng, đáp ứng nhu cầu và khả năng của từng học sinh. Công nghệ AI có thể hỗ trợ giáo viên trong việc phân tích kết quả học tập, xác định điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, từ đó đưa ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn. Hơn nữa, AI còn giúp tạo ra các môi trường học tập tương tác, sinh động, kích thích sự sáng tạo và ham học hỏi của học sinh.
Có thể nói, những tiến bộ vượt bậc của AI đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến hoạt động dạy và học, định hình lại cách thức, phương thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Các chuyên gia cũng cho rằng, AI sẽ tác động không nhỏ đến giáo dục và đào tạo nếu không có chính sách quản lý và tác động phù hợp, không cẩn thận, ứng dụng AI sẽ khiến giáo dục chệch hướng. Do đó, việc tập huấn, đào tạo giáo viên để hiểu biết về AI rất quan trọng.